Cây lưỡi hổ hay còn được biết với tên gọi là cây lưỡi cọp, cây hổ vĩ mép lá vàng. Nghe tên có vẻ "hổ báo" nhưng loài cây này vốn dĩ vô cùng khiêm tốn với những chiếc lá vươn cao thẳng đứng đến khoảng 60cm, không tốn nhiều diện tích không gian mà lại có khả năng xanh tươi quanh năm, không cần nhiều công chăm sóc.
Loài cây này có nguồn gốc từ Nigeria, nổi bật với lá có màu xanh đậm kèm đốm màu xám, mép lá có viền vàng. Nhiều người nhầm tưởng cây lưỡi hổ chỉ có lá mọc thẳng lên từ rễ nhưng sự thật cây vẫn có hoa màu trắng lục nhạt và quả tròn.
Loại cây này cũng có khả năng chịu nóng rất tốt. Một ưu điểm nữa của cây lưỡi hổ đó là có tác dụng thanh lọc không khí, cải thiện không gian sống, hấp thụ tốt độc tố gây ung thư như nitrogen oxide và formaldehyde.
Mọi người đều hiểu rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất khi trồng cây đó là đất trồng, nhưng đối với cây lưỡi hổ, không cần quá cầu kỳ, chúng ta chỉ cần thêm hai thứ này là đất trồng sẽ tơi xốp, thoáng khí, bổ dưỡng. Chủ yếu là để tiện lợi, đặc biệt phù hợp với dân văn phòng bận rộn và những người mới trồng cây.
1. Mẹo chăm sóc cây lưỡi hổ cực hiệu quả
Vỏ quả óc chó
Óc chó là một trong những loại hạt rất bổ dưỡng cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với mẹ bầu. Nhưng bạn đừng vội vứt vỏ quả óc chó đi nhé, vì loại vỏ này có thể tận dụng để trồng cây rất tốt. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần lấy một vài vỏ óc chó lót dưới đáy chậu hoa, việc này sẽ làm tăng khả năng thoát nước của đất, giúp đất tơi xốp.
Hơn nữa, vỏ quả óc chó còn chứa tinh dầu có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng cho hoa, chúng ta có thể giã nát vỏ quả óc chó trộn với đất để trồng cây lưỡi hổ, giúp cải thiện độ thoáng khí của đất cũng như bổ sung chất dinh dưỡng đặc biệt hữu ích.
Vỏ trứng
Mọi người cũng đã quen với việc vỏ trứng dùng để trồng hoa, tương tự đối với cây lưỡi hổ, vỏ trứng cũng rất thích hợp để trồng cây lưỡi hổ. Nhưng có một vài người cho rằng sử dụng vỏ trứng có thể thu hút sâu bọ phát triển, đây là do mọi người xử lý vỏ trứng chưa đúng cách.
Để trồng hoa bằng vỏ trứng, bạn cần rửa sạch vỏ trứng, loại bỏ hết lòng trứng ở bên trong, đem phơi cho khô, giòn, dùng búa đập vỡ rồi trộn vào đất. Điều này giúp đất trồng rất giàu canxi, nhiều chất dinh dưỡng, thoáng khí, giúp cây lưỡi hổ phát triển xanh tốt, khỏe mạnh.
2. Cách tách, trồng cây lưỡi hổ con
Để trồng cây lưỡi hổ, bạn có thể tách sẵn một bụi cây già sang một chậu sứ hoặc giâm lá lưỡi hổ vào đất chuẩn bị sẵn vào mùa xuân đến cuối mùa hè.
Với cách giâm lá, bạn cần chọn lá non, khoẻ, có viền màu vàng tươi, đẹp rồi cắt ngang sát gốc thành khúc dài khoảng 5cm. Bạn chôn khúc lá này vào đất, cát, than bùn đã trộn sẵn. Chú ý đừng nên giâm sâu quá, chỉ khoảng 1/2 độ sâu của đất là đủ. Bạn đặt chậu ở nơi có nắng và hạn chế tưới nước.
Ánh sáng: Lưỡi hổ chịu được ánh nắng trực tiếp nhưng không gian hợp nhất để đặt trong nhà, phòng, có bóng râm.
Đất: Bạn cần chuẩn bị đất tốt hoặc đất cát được trộn sẵn cùng phân bón, mùn, có độ kiềm cao.
Nhiệt độ: Cây phát triển tốt ở nhiệt độ từ 18 - 30 độ C. Cây sẽ chết nếu nhiệt độ dưới 10 độ C nên cây không phù hợp trồng ngoài trời ở mùa đông miền Bắc.
Độ ẩm: Cây chịu được độ ẩm trung bình, nếu cao quá cây sẽ bị thối rễ. Chính vì thế, bạn cần hạn chế tưới nước cây lưỡi hổ. Vào mùa hè, bạn có thể tưới 1 lần/tuần. Vào mùa đông, bạn tưới 1 tháng/lần.
Phân bón: Để cây phát triển nhanh, tốt hơn, bạn cần đáp ứng nhu cầu phân bón trung bình, khoảng 3 tháng bón phân/lần. Vào mùa đông, bạn nên hạn chế bón phân vì lúc đó cây hấp thụ rất kém.