Nhiều lưu ý khi làm nhà bằng vật liệu thô

Chuyên gia cho rằng sử dụng vật liệu thô chỉ để bắt “trend” (xu hướng) mà không hiểu bản chất thì về lâu dài không gian đó sẽ không tốt cho sức khỏe và tinh thần.

Hiện nay, xu hướng xây nhà, trang trí nội thất bằng vật liệu thô như gạch, đá, sắt, thép… không trát xi măng được nhiều người lựa chọn. Những vật liệu này thường có giá thành rẻ nhưng vẫn mang tính thẩm mỹ cao.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, nếu không chú trọng giải pháp xây dựng và khâu chọn vật liệu sẽ khiến ngôi nhà bốc mùi ẩm mốc, không tốt cho sức khỏe.

Nhiều lưu ý khi làm nhà bằng vật liệu thô - 1

Sử dụng vật liệu thô làm nhà đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn. Ảnh: THU TRINH

Không có loại vật liệu nào là tối ưu

KTS Trần Thị Hồng Thủy (Thước Tầm Group) cho biết những vật liệu thô thường được dùng trong công trình như một mảng nhấn hoặc là một khối đồng nhất. Điều này hướng đến tính cô đọng khi sử dụng vật liệu, mang lại cảm giác gọn gàng và tối giản cho không gian.

“Vật liệu thô thường sẽ có giá thành rẻ hơn nhiều so với những vật liệu bình thường nhưng vẫn mang tính thẩm mỹ cao. Đó là vẻ đẹp của sự thô mộc, tự nhiên mà không cần phải che giấu bởi bất cứ mảng vữa trát hay sơn phủ bề mặt nào. Ngoài ra, vật liệu thô có độ cứng và độ bền cao, cách nhiệt tốt, giúp ngôi nhà sẽ mát mẻ hơn” - KTS Thủy nói.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, khi sử dụng vật liệu thô để làm nhà thì cũng cần lưu ý một số vấn đề. Nếu sử dụng vật liệu thô chỉ để bắt “trend” mà không hiểu bản chất thì lâu dài không gian đó sẽ không tốt cho sức khỏe và tinh thần của người ở. Hiện tượng những người ở ngôi nhà đó cảm thấy lạnh lẽo, khó thở, nhà bốc mùi ẩm mốc là những ví dụ điển hình. Vì trên thực tế không có loại vật liệu nào là tối ưu hết tất cả, mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng.

Tương tự, KTS Bùi Thế Long (CTA | Creative Architects) cho hay: Tường nhà có mùi khó chịu là do phương pháp thi công không chuyên, do chọn vật liệu không đảm bảo hoặc tường nhà bị thấm, ẩm mốc. Chủ nhà cảm thấy lạnh lẽo có thể là do sự kết hợp trong không gian nội thất chưa phù hợp.

Vật liệu này sẽ tạo ra nét đặc sắc riêng cho kiến trúc công trình và không dừng lại ở một vật liệu để trang trí. Các vật liệu trên cũng tương tự các vật liệu khác (tường sơn thông thường, ốp gạch…) không độc hại hay ảnh hưởng đến nhiệt độ nhà. Thậm chí tường gạch thô còn giảm nhiệt nhanh hơn so với tường xây tô do không có nhiều lớp áo phủ bề mặt.

“Chẳng hạn phương pháp làm “tường gạch thở”, sử dụng gạch cháy xếp ngược hướng thông thường, xây hơi nghiêng dốc nước, kết hợp sân vườn còn giúp thông thoáng 24/24 cho công trình” - KTS Long cho biết.

Chú trọng khâu chống thấm

Theo KTS Bùi Thế Long, để đảm bảo an toàn khi sử dụng vật liệu thô làm nhà thì vị trí sử dụng loại vật liệu này phải đảm bảo vệ sinh, có biện pháp thi công và chống thấm tốt ngay từ ban đầu.

“Tương tự, bê tông trần, tường gạch thô cũng đặc biệt lưu ý quá trình thi công. Vì bản thân mỗi viên gạch thô sẽ lộ ra và làm nên chính kết cấu của bề mặt tường. Tường nhà có đẹp hay không còn nhờ vào cách sắp xếp gạch có thẳng hay không, cách chừa đường ron, màu ron gạch, tính trọn vẹn của các khung cửa… Tất cả sẽ tạo ra sự hình hài của công trình.

KTS Long gợi ý một số cách kết hợp như tường gạch thô sử dụng cho các không gian sinh hoạt chung hay phòng khách… nên cần lựa chọn những nơi bề mặt ít đụng chạm, dính nước để đảm bảo tính vệ sinh. Màu sắc nội thất nên là màu trung tính hoặc tương tự. Các vật liệu đi kèm nên có bề mặt nhám, không bóng láng để không làm mất đi tính chất không gian chung.

KTS Trần Thị Hồng Thủy cũng cho rằng: Thông thường nếu xử lý tốt, vật liệu thô sẽ có độ bền rất cao. Có ảnh hưởng độ bền hay không còn phụ thuộc vào sự kỹ lưỡng trong lúc thi công, từ giai đoạn chọn vật liệu cho đến khi hoàn thiện.

“Về giải pháp thi công và đảm bảo an toàn thì có hai điều cực kỳ quan trọng cần lưu ý: Thi công cẩn thận, tỉ mỉ và vấn đề chống thấm” - bà Thủy cho hay.

Về giải pháp không gian hài hòa, KTS Trần Thị Hồng Thủy góp ý hai cách:

Cách thứ nhất, kết hợp vật liệu thô với những vật liệu, màu sắc cũng thô mộc tương tự để tạo ra sự thống nhất và hài hòa cho không gian. Ví dụ như kết hợp gạch không trát, xi măng thô và kim loại thô như sắt, thép… với nhau. Cách này phù hợp với những gia chủ yêu thích sự chân thực, tự nhiên, mộc mạc, có phong cách sống giản dị.

Cách thứ hai là kết hợp vật liệu thô với những vật liệu và màu sắc tương phản mang tính chất sạch sẽ, bóng loáng, phản xạ. Màu sắc trong sáng sẽ dễ dàng tạo ra sự sang trọng, tinh tế trong không gian. Ví dụ như kết hợp xi măng, bê tông thô với những mảng tường trắng, vật liệu bóng và phản xạ mạnh như kính, inox… Cách này phù hợp với những gia chủ thích độc đáo, mới lạ và cá tính.

Những vật liệu thô thân thiện với môi trường

Ngói cũ có thể tận dụng lại vì không chỉ cho khu vực mái mà còn làm tường, giúp mang lại sự đồng nhất giữa vật liệu mái và tường bên ngoài (cần có cách thi công hợp lý) và cũng mang lại chất cảm mới cho bề mặt tường. Màu ngói cũ sẽ mang lại cảm giác hoài cổ, gần gũi nhưng sẽ mới lạ nếu được tận dụng đúng.

Tường có thể sử dụng gạch cháy (sản phẩm lỗi của quá trình sản xuất). Gạch cháy nên được dùng cho dạng “tường gạch thở”. Gạch cháy bản thân đã khô kiệt được xây hướng lỗ gạch ra ngoài, tạo thành những lỗ hút gió. Nên xây gạch hơi chếch để hạn chế nước mưa văng vào trong, bề mặt tường cũng nhờ đó thông thoáng, khô nhanh chóng.

Khoảng sân vườn luôn đi kèm tường gạch cháy. Xây theo cách tạo lớp áo thứ hai sẽ giảm tác động xấu của nắng gió vào sâu công trình. Kết hợp tường gạch này và sân vườn ở không gian sinh hoạt chung hay thông tầng sẽ giúp không khí, ánh sáng luôn lưu thông; giảm tình trạng bí, nóng; giảm chi phí xây tô và bảo trì hằng năm so với tường sơn thông thường.

Nền sân vườn nên sử dụng gạch tàu hoặc gạch số 8 vì giá thành tương đối rẻ, dễ mua, dễ sử dụng (lưu ý không gian sử dụng). Những vật liệu này vừa làm nền đơn giản cho sân vườn, vừa hạn chế bề mặt trơ lì, nắng nóng.

Thương bố mẹ ở nhà dột, chàng trai Nha Trang đập đi xây nhà mới, giá ngỡ ngàng
Theo THU TRINH (Pháp luật TP HCM)