Các cô nàng thường thích tạo dáng bên hoa, coi hoa là đạo cụ “sống ảo”, thậm chí là ngậm cả hoa vào miệng. Thế nhưng, thứ đạo cụ đẹp đẽ này mới đây đã khiến một nữ blogger sống ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam Trung Quốc suýt bỏ mạng.
Cụ thể, cô gái này đã “đu trend” ngậm hoa vào miệng có được những bức ảnh đẹp. Nhưng sau khi đi chụp ảnh về, cô lại cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Qua một đêm, sức khỏe của cô ngày càng tồi tệ hơn khi liên tục bị nôn, đi ngoài không kiểm soát.
Thấy vậy, gia đình vội đưa cô tới bệnh viện cấp cứu. Qua kiểm tra, bác sĩ xác định cô bị trúng độc nhựa cây trúc đào – loài hoa cô ngậm trong miệng để chụp ảnh. Mặc dù tình trạng khá nặng nhưng may thay cô đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đang dần hồi phục.
Cô gái suýt nguy kịch vì ngậm hoa "sống ảo". Ảnh: SCMP
Trước thông tin này, nhiều người đã phải giật mình vì không ngờ loài hoa đẹp mê hồn đó lại tiềm ẩn mối nguy hiểm với sức khỏe như vậy. Có người còn thừa nhận rằng từng ngậm bông hoa này để “sống ảo” nhưng may không rơi vào tình cảnh tương tự như blogger kia.
Cây trúc đào: Hoa đẹp mê hồn nhưng toàn thân đầy kịch độc
Trúc đào là loài cây được trồng rộng rãi ở nhiều nơi, không chỉ ở Trung Quốc mà cả Việt Nam. Nó được ví như “máy hút bụi” hay “người bảo vệ môi trường” vì loại cây này có tác dụng chắn gió, chắn cát cũng như hấp thụ khí thải từ các phương tiện giao thông.
Hoa trúc đào có dáng đẹp, mùi thơm nhẹ, nhiều màu sắc như sặc sỡ như hồng nhạt, hồng đậm, trắng,… nhưng phổ biến nhất là màu hồng. Vì vậy, trúc đào cũng rất được ưa chuộng để chọn trồng làm cảnh. Tuy nhiên, từ lá, hoa, cành và thân cây của trúc đào đều chứa nhiều hợp chất có độc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em.
Toàn thân cây trúc đào đều có độc.
Các bộ phận của cây trúc đào đều chứa chất nhựa màu kem, vàng ngà rồi hóa lục và chất nhựa này có glucosid độc, chủ yếu là oleandrin (còn gọi là neriolin) với tỷ lệ 0,7 - 1 phần nghìn. Một khi chất độc này đi vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng như nôn mửa dữ dội, người mệt lả đi, nhức đầu, chóng mặt, đau bọng.
Trong trường hợp nặng, người nhiễm độc từ cây trúc đào có thể bị trụy tim, tụt huyết áp, hôn mê rối loạn nhịp tim, thiếu ôxy lên não, thậm chí dẫn đến tử vong. Không chỉ vậy, vô tình hít phải khói từ cây trúc đào bị đốt cũng gây ra những vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, nếu muốn trồng cây trúc đào làm cảnh thì gia chủ nên cân nhắc kỹ lưỡng và cẩn thận, đặc biệt là đối với những gia đình có trẻ nhỏ.
Hoa trúc đào tuy đẹp nhưng có độc, người trồng nên cẩn thận.
Một số loại cây cảnh khác đẹp nhưng độc
- Hoa loa kèn: Trong hoa loa kèn có chứa chất gây ảo giác scopolamine. Một khi bị ngộ độc, nhẹ thì sẽ cảm thấy khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử, nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích. Vì vậy, không nên tùy ý hái bất kỳ bộ phận nào của cây loa kèn để sắc thành thức uống.
- Hồng môn: Hồng môn được nhiều người ưa chuộng trồng làm cây cảnh hoặc đặt trên bàn làm việc. Tuy nhiên, toàn thân cây hồng môn đều có độc tố calcium oxalate và asparagine, dễ gây ngộ độc cho trẻ em và vật nuôi khi ăn phải, gây bỏng rát và nổi mụn rộp khi da tiếp xúc trực tiếp.
- Kim tiền: Cây kim tiền là một loại cây phong thủy, mang ý nghĩa cầu mong tài lộc, may mắn nhưng trong thân và lá cây có chứa canxi oxalate. Nếu ăn phải sẽ gây ra tình trạng nóng rát ở cổ họng, bỏng lưỡi, thậm chí gây sưng viêm, ngạt thở và xuất huyết dạ dày. Nhựa cây dính lên mắt cũng gây ảnh hưởng xấu đến thị lực.
Nếu ăn phải cây kim tiền cũng có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe.
- Vạn niên thanh: Loài cây này không chỉ được ưa chuộng bởi ý nghĩa may mắn của nó mà nó còn có tác dụng thanh lọc không khí, khử khuẩn. Tuy nhiên, tất cả bộ phận của cây vạn niên thanh đều có độc, không chỉ gây bỏng rát, ngứa họng, nôn mửa,…khi ăn phải mà còn có thể khiến toàn thân tê liệt, khó nói chuyện. Nếu ăn phải lượng lớn có thể gây co giật, rối loạn nhịp tim, thậm chí là tử vong.
- Cây ngô đồng: Nhiều gia đình trồng cây ngô đồng để làm cảnh, lấy bóng mát nhưng từ thân, củ, lá và đặt biệt là hạt của cây ngô đồng đều chứa chất curcin. Nếu ăn phải, chất này có thể gây bỏng rát ở họng, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Trong trường hợp nặng dễ gây xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.
- Cây chuỗi ngọc: Cây chuỗi ngọc là một loại cây cảnh khá phổ biến, có hoa màu tím rất đẹp nhưng loài hoa mỹ miều này lại có độc. Nếu ăn phải những bộ phận của nó có thể dẫn đến một số tình trạng như buồn nôn và nôn, buồn ngủ, co giật, tim đập nhanh, sốt.