Thay vì tham gia các lớp tập thể dục thẩm mỹ, yoga như các bạn đồng nghiệp, chị Nguyễn Thị Thanh Thuý, năm nay 40 tuổi ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận lại chọn việc nhổ cỏ, xới đất, tưới cây, bắt sâu, ngắt ngọn, vặt lá, tỉa cành như một hoạt động giải trí vừa giúp tinh thần thoải mái, giúp gia đình có thực phẩm sạch và kiếm thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thuý dành rất nhiều tình yêu thương và đam mê vào "Rẫy nhà ngoại".
Đào giếng, mắc điện, làm hệ thống tưới tiêu
Chị Thanh Thúy giới thiệu, bản thân vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở một vùng quê cách trung tâm thành phố nơi chị đang sinh sống chỉ hơn 1km. Giờ đây khi không còn sống chung với ba và các em, song mỗi ngày ngoài thời gian ở cơ quan chị vẫn thường chạy xe về để chăm sóc vườn tược cùng gia đình.
Chị nói: “Ba mình là nông dân từ xưa đến giờ nên rất nhiều kinh nghiệm, trồng rau quả sạch rất thuận lợi với ông. Hồi trước thì chỉ trồng cây bầu, bí và đậu phộng thuận theo mùa vụ. Mỗi năm, chỉ trồng được 2 mùa, phụ thuộc rất nhiều vào nắng mưa của trời. Có khi mưa nhiều, hoặc nắng to hạn hán, khí trời không thuận lợi, mùa đó coi như mất trắng”.
Để có điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc vườn tược, cùng với mảnh đất vườn, gia đình chị Thúy đầu tư thêm nhiều hạng mục như đào giếng, mắc điện, làm hệ thống tưới tiêu... Có điện nước, tưới tiêu đầy đủ, nên việc trồng trọt không còn hai mùa vụ như trước nữa mà trồng các loại rau củ quả đan xen nhau, luân phiên quanh năm.
Bầu hồ lô tươi mướt.
Những quả mướp khứa tròn um, xanh mướt.
Đu đủ non.
Từ kiến thức nông nghiệp học hỏi được rất nhiều trên mạng, các các group chia sẻ chị Thúy tư vấn cho ba của mình trồng thêm rất nhiều loại rau củ quả và cây trái, luân phiên, kế tiếp nhau nên lúc nào khu vườn cũng xanh um.
Theo lời chị, khu vườn được trồng nhiều loại cây trái và rau củ quả hữu cơ, từ nhiều loại cây trái lâu năm như xoài, mít, đu đủ, chanh, chuối và các loại rau củ quả như khoai lang, đậu đen xanh lòng, bầu, bí, mướp, khổ qua, đậu bắp, cà tím; các loại cây gia vị như ớt, hành lá, vạn thọ, quế... các loại bông như cúc zinnia, hoa mười giờ, hoa hồng, địa lan tím, hoa mai... Vì mục đích phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình nên chị không sử dụng bất cứ loại hóa học nào.
Để trồng rau củ quả hoàn toàn hữu cơ, ba của chị Thúy đã nuôi một đàn bò (hơn 10 con) để lấy phân. Phân bò được ủ hoai mục làm phân bón cho cây rất tốt. Để nuôi được bò, gia đình chị đã trồng một vườn cỏ tía cho bò ăn. Hàng ngày, ba chị cũng phải chăn dắt bò ra những đồng cỏ xung quanh để ăn thêm. Bao nhiêu phân bò có được đều ủ hoai mục để trồng cây.
Chị kể: “Nhà mình làm vườn với sự kết hợp với chăn nuôi như thế rất hiệu quả. Cây trồng rất tươi tốt, không sử dụng phân thuốc hóa học nên đồng cỏ lúc nào cũng xanh um, vừa có cho bò ăn, vừa sạch đẹp vườn nhà. Cỏ mọc trong vườn rau quả thì được cả nhà nhổ bỏ bằng tay, rau quả có sâu cũng được bắt từng con, làm hoàn toàn bằng thủ công, càng không sử dụng chất hóa học nào để tiêu diệt. Cho nên sản phẩm của nhà mình thu hoạch rất có nhiều công sức của cả nhà với trọn tình thương yêu”.
Trái khổ qua căng mọng.
Thuê một anh chàng to khỏe để xới đất
Nói về quá trình đầu tư cho vườn rau, chị cho hay, do gia đình có sẵn mảnh vườn nên không mất tiền thuê đất. Hạt giống được chị mua ở trung tâm giống cây trồng hoặc vụ mùa trước để lại giống cho mùa sau nên chi phí không nhiều. Phân hữu cơ được sử dụng là phân bò nhà nuôi, chỉ tốn công xới đất, điện, nước. Việc xới đất rất nặng nhọc, nên mỗi vụ nhà chị thường thuê một anh chàng to khỏe để xới trước mỗi đợt gieo trồng.
Chưa hết, việc làm vườn không dễ dàng chút nào, có những lúc gieo hạt không nảy mầm, khi cây ra hoa mà gặp mưa nhiều, trôi hết phấn hoa, không đậu trái được, khi ra quả thì bị ruồi vàng đục trái, sâu bệnh nhiều... buộc phải làm lại từ đầu. Quan trọng là có sự kiên nhẫn, chịu khó và thật sự yêu thích thì chắc chắn làm được.
Dù không còn chung sống ở quê với ba, song mỗi ngày chị Thúy dành ra một tiếng đồng hồ để chạy về chăm sóc vườn tược. Riêng cuối tuần, chị dành trọn thời gian để phụ giúp ba chăm sóc cây trái.
Dưa leo.
Chị tâm sự: “5h chiều khi tan sở làm, mình lại chạy về vườn, làm rất nhiều việc không tên như nhổ cỏ, xới đất, tưới cây, bắt sâu, ngắt ngọn, vặt lá, tỉa cành,... đến khi trời tối hẳn 6h30 tối thì mình lại chạy về nhà mình trên thành phố. Mình không tham gia các lớp tập thể dục thẩm mỹ, yoga như các bạn đồng nghiệp mà thời gian đó mình tất tả làm vườn. Với mình, những hoạt động đó vừa giải trí vừa giúp tinh thần thoải mái, giúp gia đình có thực phẩm sạch và kiếm thêm thu nhập”.
Nhìn khu vườn với ánh mắt đầy tự hào, mẹ 8X cho hay, dường như các loại rau củ quả cũng có linh hồn riêng của loài cây, chúng hiểu được sự yêu thương, tận tụy của cả nhà nên cứ thế lớn lên, xanh tốt và cho quả đẹp. Loại nào cũng thế, đặc biệt là mùa thu này các loại củ quả đều tốt tươi. Nhìn thành quả, cả nhà rất phấn khởi, hạnh phúc vô cùng.
Trước đây, gia đình chị Thúy trồng rau chủ yếu để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Gần đây, bà con xóm giềng đều đặt mua rau củ quả của nhà chị nên ba chị Thúy trồng nhiều hơn để phục vụ bà con. “Nhà mình kiếm được một khoảng thu nhập nho nhỏ, tuy không nhiều nhưng đó là động lực rất lớn để gia đình mình tích cực nhiều hơn nữa trong thời gian tới, để cho ra những sản phẩm sạch, tươi và ngon” – chị nói.
Cà tím vừa xinh vừa dài.
Những quả đậu bắp vừa hái xong.
Bí xanh là loại quả truyền thống của người dân quê.
Chị hài hước tiết lộ: “Thật sự rất khó để tính toán chi phí, nhà mình làm vườn vì thích cuộc sống êm đềm như thế, không tính toán về lợi ích kinh tế. Làm vườn với tất cả niềm đam mê, dành rất nhiều tình yêu thương vào khu vườn. Nói cho sang là khu vườn, chứ thật ra ở nơi mình gọi là cái rẫy, mà mình thường gọi là "Rẫy nhà ngoại".
Sau mỗi mùa thu hoạch, gia đình chị vô cùng phấn khởi. Càng hạnh phúc hơn khi được mọi người xung quanh đón nhận. Điều mà gia đình chị nhận được thật sự không thể tính bằng tiền, mà đó là tinh thần, động lực với rất nhiều tình cảm yêu thương. Ngoài ra, việc trồng rau quả sạch, góp phần giữ gìn môi trường sống và trái đất xanh.