Cây vẩy ốc hay còn gọi là cây vảy ốc, cây thằn lằn, cây trầu cổ, cây đơn rau má,… tên khoa học là Ficus Pumila. Đây là cây dây leo dài khoảng 3 - 5m, có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á như Nhật Bản, Trung Quốc hay Indonesia, trước đây là cây mọc dại hoặc trồng ở hàng rào. Nhưng ngay này, nó đã “lên đời” làm cây cảnh và được nhiều người yêu thích.
Cây vẩy ốc có nhiều chủng loại, từ các đặc điểm hình thái khác nhau mà người ta phân loại cây vẩy ốc bám thành 3 loại: cây vẩy ốc lá xanh, cây vẩy ốc ngũ sắc, cây vẩy ốc cẩm thạch. Trong đó, cây vẩy ốc cẩm thạch được ưa chuộng hơn cả bởi màu sắc lá màu hồng khi non và chuyển sang màu trắng và xanh khi về già. Chính vì vậy, trên cây lúc nào cũng có 3 màu gồm xanh, trắng và hồng, đẹp hơn cả hoa, rất bắt mắt.
Cây vẩy ốc cẩm thạch leo tường rất hiếm gặp, đa số mọi người thường trồng chúng trong chậu treo và đặt ở ban công, sân thượng, hiên nhà hoặc làm cây bonsai.
Ngoài tác dụng làm cảnh, cây vẩy ốc còn có thể ăn và tác dụng chữa bệnh. Lá cây vẩy ốc có thể được thu hoạch để nấu canh, xào hoặc sấy khô làm trà, ngọn rau non có thể ăn sống hoặc chế biến thành các món trộn, gỏi.
Quả vẩy ốc chín đem rửa sạch, xay nhuyễn với chút nước rồi ép lấy nước cốt, để một lúc thì phần nước sẽ đông lại thành khối. Sử dụng phần đông này để ăn hoặc uống với đường vào những ngày hè giúp thanh nhiệt, giải độc rất hiệu quả.
Trong Đông học, thân và quả của cây vẩy ốc cẩm thạch chứa các chất chống oxy hóa và có thể bào chế thành nhiều bài thuốc chữa bệnh. Cụ thể, nó có thể hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, liệt dương, giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể.
Trong phong thủy, cây vẩy ốc cẩm thạch tượng trưng cho sự trường tồn, sự gắn kết, gắn bó của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, loại cây này còn là biểu tượng sự sinh sôi nảy nở, phát triển không ngừng.
Quả vẩy ốc.
Cách trồng và chăm sóc cây vẩy ốc cẩm thạch
Cây vẩy ốc cẩm thạch có thể được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt, giâm cành. Với phương pháp gieo hạt, hãy chọn hạt giống khỏe mạnh, chắc hạt không bị lép.
Hạt giống mới mua về đem ngâm trong nước ấm đến khi nứt nanh thì gieo vào đất. Sau đó, chăm sóc bầu ươm cẩn thận, duy trì tưới ẩm hàng ngày. Khi hạt giống đã phát triển thành cây con có đầy đủ bộ phận và cứng cáp thì hãy mang đi trồng.
Với phương pháp giâm cành, hãy chọn cành giâm bánh tẻ khỏe mạnh, có chồi lá xanh tốt cắt thành từng đoạn cành dài khoảng 20 – 30cm. Cắm cành giâm vào bầu đất đã chuẩn bị, đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Không lâu sau, cành giâm sẽ bén rễ và mọc mầm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể mua sẵn cây từ các cửa hàng cây cảnh về nhà trồng.
Cây vẩy ốc cẩm thạch dễ chăm sóc, nhưng muốn cây phát triển tốt thì bạn hãy chú ý tới những yếu tố sau:
- Đất trồng: Nên trồng trong đất tơi xốp, đủ ẩm và thoát nước tốt. Nếu đất cằn, bạn nên cải tạo, trộn thêm phân trùn quế, trấu hun để đảm bảo hơn.
- Ánh sáng: Cây vẩy ốc cẩm thạch có thể chịu được nắng cũng như nơi râm mát bóng bán phần. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể trồng trong nhà.
- Tưới nước: Cây có khả năng chịu được nắng nóng và chịu được mưa dài ngày, nên bạn không cần tưới nước quá nhiều cho cây, chỉ cần tưới thường xuyên khi mới trồng là được.
- Cắt tỉa: Hầu như không cần cắt tỉa cho cây vẩy ốc cẩm thạch vì gần như cây không có sâu bệnh, cũng không rụng lá,...
- Tạo dáng: Bạn có thể để cho cây vẩy ốc phát triển tự do tạo thành bức tường hoặc có thể tạo dáng cây theo ý muốn của mình để làm cây bonsai. Tuy nhiên, khi tạo dáng cần cẩn thận kẻo đứt gãy cành.