Là một loại cây rất phổ biến, trầu bà cũng mang vẻ đẹp riêng, có khả năng thanh lọc không khí tốt và mang ý nghĩa may mắn, rất thích hợp trồng trong nhà hoặc văn phòng, cửa hàng,... Nhưng thời gian trôi qua, trầu bà lại dần bị lãng quên, thậm chí nhiều người còn cho nó vào “danh sách đen” vì một số lý do dưới đây:
1. Lá có xu hướng chuyển sang màu vàng
Trầu bà có lá xanh quanh năm, nhưng nhiều người phàn nàn rằng sau khi trồng trong nhà một thời gian, lá trầu bà thường chuyển sang màu vàng, ảnh hưởng tới giá trị thẩm mỹ của nó. Vậy tại sao lá trầu bà lại có xu hướng chuyển sang màu vàng?
Điều này có thể là do môi trường không đủ ánh sáng, độ ẩm quá cao, chất lượng đất kém,… Đối với trầu bà, chúng ta cần cung cấp đủ ánh sáng cho nó để đảm bảo quá trình quang hợp của cây. Ngoài ra, hãy nhớ kiểm soát lượng nước và tần suất tưới nước, tránh tưới quá nhiều để tránh bị thối rễ.
2. Giá trị làm cảnh không cao lắm
Nhiều người nhận xét trầu bà có giá trị làm cảnh không cao lắm vì cây không nở hoa, không có nhiều sự thay đổi về màu sắc. Vì vậy, xét về góc nhìn tổng thể thì trầu bà không có đặc điểm gì nổi bật.
Đối với những người mới trồng cây lần đầu hoặc thích sự đơn điệu thì trầu bà có thể là sự lựa chọn tốt. Tuy nhiên với những người ưa màu sắc phong phú, thích ngắm hoa thì trầu bà không gây được nhiều hứng thú.
3. Rễ dễ bị thối
Trầu bà rất dễ chăm sóc nhưng không phải là không có vấn đề trong quá trình bảo trì. Thối rễ là một vấn đề tương đối phổ biến và cũng là một điểm quan trọng mà người chăm sóc cần chú ý.
Một khi hệ thống rễ bị tổn thương, trầu bà không thể hấp thụ chất dinh dưỡng đúng cách, khiến lá bị khô héo và dễ rụng. Chúng ta cần tìm ra nguyên nhân gây thối rễ kịp thời để đảm bảo cho cây phát triển khỏe mạnh.
4. Dễ bị nhện đỏ tấn công
Một loại sâu bệnh phổ biến ở cây trầu bà chính là nhện đỏ. Đây là loài ký sinh thường sống trên lá trầu bà và hút chất dinh dưỡng của cây, khiến cây bị cháy đầu lá.
Loài côn trùng này khó phát hiện nhưng mức độ gây hại của nó rất nghiêm trọng. Vì vậy, nếu phát hiện nhện đỏ xuất hiện, bạn hãy cắt hết đi những lá bị vàng, cháy. Sau đó, lấy nước muối pha loãng để lau sạch bề mặt lá nhằm diệt sạch được mầm bệnh còn sót lại trên cây.
Xét 4 yếu tố trên, trầu bà bị nhiều người đưa vào “danh sách đen” nên bạn hãy cân nhắc khi chọn nó trồng trong nhà. Nếu bạn vẫn thích trầu bà và muốn chăm sóc chúng thật tốt, đây là một số mẹo:
- Tránh ánh sáng trực tiếp
Trầu bà thích môi trường râm mát, sợ ánh sáng mạnh nên vị trí đặt cây trầu bà cần tránh ánh nắng trực tiếp. Nếu muốn đặt trầu bà bên cửa sổ, nên chọn rèm che cửa để trầu bà nhận được ánh sáng thích hợp, không bị gắt quá kẻo bị cháy lá, vàng lá.
- Tưới nước và bón phân
Kiểm soát việc tưới nước và bón phân hợp lý cũng là điều cần được chú ý khi chăm sóc trầu bà. Trầu bà không cần nhiều nước, thông thường có thể tưới 2 lần/tuần, đảm bảo đất trên bề mặt đất khô trước khi tưới. Với phương pháp trồng trầu bà thủy canh, hãy thay nước 1-2 tuần/lần, cho nước ngập 2/3 bộ rễ.
Trầu bà phát triển nhanh nên cần bón phân thường xuyên. Bạn có thể bón phân cho trầu bà mỗi tuần hoặc lâu hơn để thúc đẩy sự phát triển của cây. Nếu trồng thủy canh, dùng dung dịch dinh dưỡng mỗi lần khi thay nước hoặc 2 lần/tháng, cho 1-3 giọt vào bình nước dưới 1 lít là đủ.
- Kiểm tra hệ thống gốc
Thường xuyên kiểm tra tình trạng hệ thống rễ của cây cũng là chìa khóa để chăm sóc trầu bà tốt. Nếu hệ thống rễ của trầu bà bị hư hỏng, sự phát triển của cây sẽ bị ảnh hưởng.
Trong quá trình kiểm tra, bạn có thể lấy cây trầu bà ra và dùng tay giũ nhẹ đất để kiểm tra xem rễ có bị thối không. Nếu phát hiện rễ bị thối thì cần loại bỏ ngay để tránh gây thiệt hại lớn hơn cho sự phát triển của cây.
- Ngăn ngừa sâu bệnh
Một loại sâu bệnh phổ biến của trầu bà là nhện đỏ. Trong quá trình bảo dưỡng, hãy kiểm tra lá thường xuyên và loại bỏ bụi bẩn, chất thải trên lá kịp thời. Nếu trầu bà đã bị nhiễm nhện đỏ, bạn có thể lựa chọn sử dụng thuốc trừ sâu để trị nhưng phải chú ý sử dụng thuốc an toàn.