1. Cắt tỉa đúng lúc, đúng thời điểm
Việc cắt tỉa cành lá luôn là điều rất quan trọng để giúp cây hoa có thể phát triển tốt nhất cũng như ra được nhiều hoa to đẹp hơn. Tuy nhiên không phải việc cắt tỉa có thể được thực hiện bất cứ lúc nào, mà nó chỉ nên được thực hiện một cách đúng lúc và đúng thời điểm để tránh gây tổn hại đến sự sinh trưởng của cây mà vẫn giúp cây cao lớn.
Thời điểm tiến hành cắt tỉa cho cây hoa nên bắt đầu từ đầu mùa Xuân. Khi này bạn hãy cắt bỏ hết các cành lá già yếu, khô héo hoặc bị bệnh. Bởi những cành lá này mặc dù không phát triển nữa, tuy nhiên nó vẫn hấp thụ dinh dưỡng của cây. Do đó việc cắt tỉa này sẽ giúp tập trung nguồn dinh dưỡng cho các cành lá khỏe mạnh, giúp cây hoa phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, đối với một số loại cây có khả năng ra hoa liên tục như hoa giấy, hoa hồng,... cũng nên được cắt tỉa bớt để loại bỏ những bông hoa đã phát triển tối đa, bông hoa đã sắp héo tàn. Từ đó sẽ giúp cây có thể tích tụ dinh dưỡng để phát triển cho các nụ hoa mới tiếp theo.
2. Bón phân thường xuyên
Bên cạnh việc cắt tỉa, bón phân thường xuyên cho cây trồng cũng là một việc nên làm để giúp cây phát triển nhanh chóng và nở hoa nhiều hơn. Bạn nên ưu tiên các loại phân giàu đạm, lân và kali để kích thích nụ hoa phát triển. Hoặc có thể sử dụng các loại phân hữu cơ như phân động vật, gia súc, phân trùn quế,... cũng mang tác dụng tương đương.
Thời điểm bón phân tốt nhất nên được thực hiện trước mỗi đợt ra hoa của cây khoảng 15 - 30 ngày. Khi đó cây sẽ hấp thụ được lượng dinh dưỡng cao nhất để có thể phát triển và cho thật nhiều nụ hoa mới. Bên cạnh đó cứ sau khi kết thúc một mùa hoa, bạn nên bón lót cho đất trồng nhằm cải tạo dinh dưỡng, chuẩn bị cho vụ mùa mới tốt đẹp hơn.
3. Đáp ứng điều kiện ánh sáng cho cây hoa
Ánh sáng là yếu tố quan trọng giúp cây hoa có thể quang hợp, cành lá xanh tốt và nở hoa rực rỡ. Vậy nên bạn hãy luôn đặt các chậu cây ở những nơi có nhiều ánh nắng chiếu đến để giúp cây có được sự phát triển thuận lợi nhất. Tuy nhiên cần tránh những nơi nắng gay gắt vào buổi trưa hoặc đặc biệt vào mùa hè. Bởi ánh sáng quá mạnh có thể vô tình làm khô héo, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe của cây trồng.
Tuy nhiên cũng có một số loại cây hoa lại không đòi hỏi nhu cầu ánh sáng quá thường xuyên. Với những loại cây này, bạn chỉ cần cho chúng tắm nắng vào một thời điểm nhất định trong ngày, sau đó mang chậu cây đặt vào những nơi râm mát để đảm bảo khả năng phát triển tốt nhất, tránh bị cháy nắng, khô héo hoặc hư hỏng.
4. Phòng ngừa các loại sâu bệnh có hại
Mối nguy hại lớn nhất ảnh hưởng tới sức khỏe của cây hoa, đó chính là yếu tố sâu bệnh. Chúng sẽ tấn công, gặm nhấm cành lá và khiến cây hoa của bạn mắc bệnh, dần suy yếu và hư hỏng hoàn toàn. Do đó mà việc phát hiện sớm các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng ngừa là điều hết sức cần thiết.
Bạn nên sử dụng một số loại thuốc hoặc hỗn hợp đặc biệt an toàn cho cây hoa mà vẫn có thể tiêu diệt hết các loại sâu nguy hại. Cắt tỉa những cành lá đã bị sâu tấn công để không làm ảnh hưởng đến các cành lá khỏe mạnh khác của cây. Thường xuyên dọn dẹp gốc cây, rắc thuốc xung quanh để trừ sâu, nhổ bỏ cỏ dại xuất hiện bất ngờ,... Ngoài ra bạn cũng có thể trồng các giống cây hoa khỏe mạnh có khả năng chống chịu sâu bệnh cực tốt để tiết kiệm công sức chăm sóc.
5. Chọn chậu cây phù hợp với cây trồng
Một trong những nguyên tắc vàng để giúp cây trồng có thể phát triển tốt nhất, đó chính là lựa chọn chậu cây sau cho thật hợp lý. Chậu cây cần có kích thước tỷ lệ thuận với sự phát triển của cây hoa, không quá lớn mà cũng không quá nhỏ. Nếu chậu quá nhỏ sẽ khiến cây không thể phát triển được, còn nếu chậu quá lớn sẽ tốn kém đất trồng, nước tưới trong đất sẽ khó thoát đi nhanh, khiến làm tăng nguy cơ ngập úng rễ.
Bên cạnh đó, bạn nên chọn những chậu cây có lỗ thoát nước để giúp nước không bị tích đọng trong đất quá nhiều. Chậu cây nên được làm bằng các chất liệu thông thoáng tốt như đất nung, sứ hoặc nhựa tùy thuộc vào mức độ cần tưới nước hàng ngày của từng loại cây trồng.