Hoa lan hồ điệp rất đẹp, có nhiều giống, những cánh hoa mảnh mai và rất mỏng manh, thời gian ra hoa dài. Một số giống có thể nở hơn nửa năm. Ngoài ra, lan hồ điệp có ý nghĩa tốt đẹp nên được nhiều người thích.
Nhưng hầu hết mọi người chỉ trồng vài chậu hoa lan hồ điệp để trang trí nhà cửa, dẫu vậy vẫn có một số người vì quá đam mê mà trồng cả một vườn hoa ngay trong vườn nhà. Ví dụ, chị Ngô ở Trấn Giang, Giang Tô (Trung Quốc), chị đã trồng cả một vườn hoa lan hồ điệp trong nhà.
Lan hồ điệp chị Ngô trồng.
Người phụ nữ này đã trồng lan hồ điệp được 5 năm. Vì rất thích nên mỗi năm chị đều mua một số cây giống mới. Hàng năm sau Tết, chị đều đến thùng rác nhặt một số cây lan hồ điệp bị người khác vứt đi.
Cứ như thế này, sau 5 năm, nhà chị có rất nhiều lan hồ điệp. Dần dần không còn chỗ cho chúng trên ban công nên chị Ngô lại đặt nó trong phòng khách, và giờ đây phòng khách cũng đầy ắp hoa lan hồ điệp, tính sơ sơ đã có hơn 100 chậu.
Lúc đầu, gia đình rất ủng hộ việc chị Ngô trồng lan hồ điệp vì hoa nở rất đẹp, nhưng khi số lượng chậu hoa quá nhiều, gia đình bắt đầu phàn nàn vì chúng chiếm quá nhiều không gian và ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường. Dẫu vậy, cô Ngô vẫn quyết không từ bỏ đam mê này của mình.
Phòng khách ngập đầy hoa lan hồ điệp.
Bí quyết trồng lan hồ điệp của người phụ nữ để hoa nở quanh năm
Theo chị Ngô, chìa khóa trồng lan hồ điệp tại nhà để ra nhiều hoa là cung cấp môi trường phát triển phù hợp, biện pháp chăm sóc hợp lý và quản lý khoa học. Dưới đây là bí quyết chăm sóc hoa lan hồ điệp của chị Ngô.
- Việc chọn giá thể trồng và chậu phù hợp là rất quan trọng
Lan hồ điệp thích những giá thể trồng tơi xốp và thoáng khí, chẳng hạn như rêu nước, vỏ cây, rễ cây dương xỉ,.. Chọn chậu lớn (đường kính khoảng 30 cm) và đảm bảo có hệ thống thoát nước tốt ở đáy để tránh tích tụ nước.
- Nhiệt độ và độ ẩm cần được kiểm soát tốt
Nhiệt độ sinh trưởng thích hợp cho lan hồ điệp là 20-30 độ C, nhiệt độ ban đêm nên thấp hơn một chút. Duy trì độ ẩm thích hợp cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của lan hồ điệp, thường trong phạm vi độ ẩm 50-70% là hợp lý.
Lan hồ điệp thích môi trường ẩm ướt nhưng không ưa nước đọng. Loài hoa này vừa sợ khô, vừa sợ úng. Khi tưới nước phải tuân theo nguyên tắc thấy khô hẵng tưới để tránh hiện tượng thối rễ do tích nước. Mùa xuân và mùa hè là thời kỳ cây sinh trưởng mạnh và cần đủ nước, tuy nhiên vào mùa thu và mùa đông nên giảm lượng nước tưới và giữ ẩm cho đất trong chậu.
Tưới nước 2 lần/tuần trong mùa sinh trưởng để giữ cho đất hơi ẩm và phun nước xung quanh cây để tăng độ ẩm. Tránh tưới vào buổi tối. Thời điểm tưới tốt nhất là buổi trưa để tránh nhiệt độ thấp ảnh hưởng đến cây ra hoa.
- Ánh sáng phải phù hợp
Hoa lan hồ điệp cần lượng ánh sáng vừa phải để cây phát triển và nở hoa bình thường. Tránh ánh nắng trực tiếp để lá không bị cháy. Bạn có thể chọn rèm lưới hoặc rèm che nắng. Cường độ ánh sáng phù hợp là từ 15000-20000lux.
Nếu đặt cây trong nhà, nên đặt ở nơi ấm áp, thoáng mát trong nhà, có đủ ánh sáng khuếch tán.
Hoa lan hồ điệp phủ khắp không gian sống của chị Ngô.
- Chú ý đến thời gian bón phân và loại phân bón
Lan hồ điệp mới được thay chậu hoặc có rễ bị hư hỏng không nên bón phân ngay.
Khi lá mới mọc vào mùa xuân hoặc sau khi thay chậu là thời điểm tốt nhất để bón phân, nên bón 2 tuần/lần để bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho cây ra hoa. Nên ngừng bón phân vào mùa hè để tránh thối rễ.
Khi bón phân nên chọn loại phân bón phù hợp với lan hồ điệp như phân kali dihydrogen photphat và phân dành riêng cho lan. Tuân thủ nguyên tắc bón phân loãng thường xuyên, tránh bón quá nhiều.
- Cần cắt tỉa kịp thời
Cắt tỉa và thay chậu cũng là những biện pháp quan trọng để thúc đẩy hoa lan hồ điệp ra hoa nhiều hơn. Nên cắt tỉa kịp thời sau khi hoa héo để giảm tiêu thụ chất dinh dưỡng.