“4 tăng, 5 giảm” khi ăn uống để mở đường cho gan “thở”, thải độc và tái tạo nhanh hơn

Mặc dù là cơ quan có chức năng dự trữ và tái tạo bậc nhất trong cơ thể, gan cũng cần được “thở”, bồi bổ để phục hồi tổn thương.

Chuyên gia dinh dưỡng Cheng Hanyu (Trung Quốc) cho biết, gan là nhà máy giải độc lớn nhất của cơ thể, nó còn chịu trách nhiệm điều hòa quá trình trao đổi chất và bài tiết. Mặc dù gan là cơ quan có khả năng dự trữ rất lớn, khả năng tái tạo bậc nhất trong cơ thể nhưng không có nghĩa là nó có thể chống lại tổn thương hay bệnh tật.

“Không chỉ dạ dày hay đường ruột, bất kể thực phẩm gì chúng ta tiêu thụ hàng ngày đều có tác động tới quá trình hoạt động và sức khỏe của gan về lâu dài. Muốn bồi bổ, tăng cường thải độc và đẩy nhanh quá trình tái tạo của gan thì cần có chế độ ăn uống lành mạnh” - bà nói. Trong đó bà chỉ ra những thực phẩm nên hạn chế nhưng cũng có những thực phẩm ăn thường xuyên gan sẽ rất “biết ơn”.

“4 tăng” trong ăn uống để gan khỏe, tái tạo nhanh hơn

Theo bác sĩ Cheng, tận dụng 4 thực phẩm dưới đây sẽ giúp các hoạt động của gan diễn ra trơn tru, phục hồi tổn thương và phòng nhiều bệnh tật.

Tỏi, nhất là tỏi sống

Tỏi rất giàu chất phytochemical cùng chất hỗ trợ gan như allicin, allinin và ajoene. Đây là những chất có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa. Vì vậy, những người ăn tỏi thường xuyên sẽ có lá gan khỏe mạnh hơn.

“4 tăng, 5 giảm” khi ăn uống để mở đường cho gan “thở”, thải độc và tái tạo nhanh hơn - Ảnh 1.

Ăn tỏi sống được cho là tốt cho sức khỏe của gan hơn tỏi nấu chín (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Cheng nhấn mạnh rằng cách ăn tỏi tốt nhất cho gan là ăn tỏi sống. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ tỏi sống hơn bảy lần một tuần có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ thấp hơn tới 29% và ăn tỏi sống có liên quan đến nguy cơ ung thư gan thấp hơn.

Chuối

Chuối mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể nói chung và cho gan nói riêng, kể cả những bệnh nhân xơ gan. Lượng chất xơ nhiều trong chuối giúp tăng cường nhu động ruột có tác dụng nhuận tràng, hạn chế nguy cơ xuất huyết tiêu hóa cho người suy gan. 

“Vitamin và protein trong chuối có thể thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào gan. Mặt khác, chuối là một thực phẩm rất thích hợp với bệnh nhân gan, đối tượng rất cần chất glucid, đặc biệt là loại glucid dễ hấp thu. Glucid tự nhiên được cung cấp quả chuối sẽ giúp tăng cường dự trữ glycogen trong gan cũng như bảo vệ gan trước những yếu tố gây độc và ngăn cản sự thâm nhiễm mỡ ở gan” - bác sĩ Cheng nói.

Trà xanh

Trà xanh là một trong những loại thức uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể và gan. Nhờ có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ (EGCG, quercetin, axit linoleic, theobromine và theophylline) trà xanh có thể giúp giảm nguy cơ xơ gan. Nó thanh nhiệt, thải độc nên giúp giảm nóng gan, tống chất độc tích tụ trong gan ra ngoài theo đường bài tiết mồ hôi và nước tiểu.

Ngoài ra, hợp chất epigallocatechin-3-gallate có trong trà xanh được cho là có thể giúp ngăn ngừa các tế bào ung thư phát triển ở gan. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều trà xanh mỗi ngày, khoảng 5 tách là đủ và không uống trà để qua đêm, trà pha quá đặc nếu không sẽ phản tác dụng, hại gan thận.

Rau chân vịt

Theo bác sĩ Cheng: “Loại rau này rất giàu các chất dinh dưỡng và giúp thải độc, tăng tuần hoàn, bồi bổ gan rất tốt. Nếu ăn thường xuyên, nhất là uống nước ép rau bina đều đặn thì còn có thể thải độc gan, giảm mỡ gan, phục hồi chức năng gan, chống viêm nhiễm và từ đó làm giảm nguy cơ ung thư gan đáng kể”.

Rau bina còn rất giàu chất diệp lục, giúp gan trung hòa các chất độc và kim loại nặng. Từ đó gan được thải độc, nuôi dưỡng tốt hơn và khỏe mạnh hơn. Y học cổ truyền cho rằng loại rau nào giúp tăng cường tuần hoàn gan - khí, giải tỏa ứ đọng ở gan mà còn bớt nóng gan và dưỡng ẩm cho gan.

Muốn gan khỏe cần nhớ “5 giảm” khi ăn uống

Có 5 thực phẩm hại gan mà bạn cần kiểm soát nghiêm ngặt khi ăn uống, đó là:

Thực phẩm nhiều đường

Dù là đồ ăn hay thức uống nhiều đường cũng có thể gây hại gan, do gan chuyển đổi đường thành chất béo. Nếu tiêu thụ quá nhiều đường, sẽ có quá nhiều chất béo trong cơ thể, chất béo này sẽ tích tụ ở các bộ phận kể cả gan, có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Cũng nên tránh tiêu thụ thường xuyên và lượng lớn nước ngọt. Bởi có thể dẫn đến tổn thương gan và cũng có thể gây ra các biến chứng khác.

Đồ uống có cồn

“4 tăng, 5 giảm” khi ăn uống để mở đường cho gan “thở”, thải độc và tái tạo nhanh hơn - Ảnh 2.

Uống nhiều rượu bia là nguyên nhân hàng đầu khiến gan tổn thương, mắc bệnh (Ảnh minh họa)

“Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về gan và suy gan. bởi gan có nhiệm vụ phân giải rượu bia để đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Uống nhiều rượu có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, cuối cùng có thể ảnh hưởng đến chức năng gan và dẫn đến tổn thương gan. Uống rượu cũng có thể dẫn đến xơ gan, rồi sau đó là ung thư gan” - bác sĩ Cheng cảnh báo.

Muối

Ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến tổn thương gan. Vì vậy hãy kiểm soát lượng muối hàng ngày khi ăn uống không quá 2g natri hay tương đương với khoảng 5g muối trên ngày. Nên tránh thực phẩm đóng gói sẵn vì chứa nhiều chất béo bão hòa và natri. Đây có thể là một nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ và béo phì.

Bột mì tinh chế

Những loại thực phẩm chứa bột mì tinh chế có thể ảnh hưởng tới chức năng gan nếu tiêu thụ ở mức quá nhiều. Bánh quy, pizza, mì ống, bánh mì đều được làm từ bột mì tinh chế. Hàm lượng khoáng chất, chất xơ và các vitamin thiết yếu trong nhóm thực phẩm này rất ít. Thêm vào đó, nhóm thực phẩm này cũng sẽ khiến đường huyết tăng cao sau khi ăn, tăng gánh nặng cho gan và có thể dẫn tới bệnh gan nhiễm mỡ.

Thịt chế biến sẵn và thịt đỏ

Theo bác sĩ Cheng, các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích và giăm bông có lượng natri cao, chất bảo quản, chất phụ gia, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ và tử vong do bệnh gan.

“4 tăng, 5 giảm” khi ăn uống để mở đường cho gan “thở”, thải độc và tái tạo nhanh hơn - Ảnh 3.

Thịt đỏ giàu dinh dưỡng nhưng không nên ăn quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe (Ảnh minh họa)

“Ăn quá nhiều thịt đỏ có thể quá sức đối với gan. Phân hủy lượng lớn protein có thể gây khó khăn cho gan, do đó có thể gây ra các bệnh về gan. Protein tích tụ trong gan cũng có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương” - bà nói thêm.

Nguồn và ảnh: Today Line, Aboluowang