1. Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh ung thư
Hút thuốc lá đưa nhiều chất độc hại vào phổi, ảnh hưởng đến DNA, làm tăng nguy cơ đột biến hoặc thay đổi DNA của tế bào phổi. Ung thư xảy ra khi một số đột biến nhất định nhân lên ngoài tầm kiểm soát.
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh ung thư ở người trưởng thành. Số người tử vong vì ung thư phổi hiện cao hơn cả số lượng người chết vì ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cộng lại.
2. Nguy cơ ung thư phụ thuộc vào tần suất hút thuốc lá
Người hút thuốc càng nhiều hoặc trong thời gian dài, nguy cơ mắc ung thư phổi càng cao.
Mặc dù việc bỏ hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi nhưng nó không làm cho nguy cơ biến mất. 50% số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi đều là người hút thuốc lá. Nếu bỏ thuốc lá càng sớm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng giảm.
3. Hút thuốc lá ít hay nhiều đều tăng nguy cơ mắc ung thư phổi
Nhiều người cho rằng, nếu họ thỉnh thoảng mới hút vài điếu thuốc lá sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Trên thực tế, nguy cơ mắc ung thư phổi tăng lên khi bạn hút hơn 100 điếu thuốc trong đời. Do đó, ngay cả việc thỉnh thoảng hút thuốc lá hay hút ít cũng không làm giảm được nguy cơ này.
4. Cảnh giác với khói thuốc lá
25% bệnh nhân ung thư phổi chưa bao giờ hút thuốc, nhưng hút thuốc thụ động có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Vì vậy, nếu bạn sống chung với người hút thuốc lá, hãy nhắc nhở họ ra ngoài hút, sau đó rửa tay và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đồng thời giặt giũ đồ đạc trong nhà thường xuyên.
5. Tất cả các loại thuốc lá đều có thể gây ung thư phổi
Các loại thuốc lá khác nhau như xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá dạng tẩu… đều có thể gây ung thư phổi. Vì vậy, điều tốt nhất là tránh xa tất cả khói thuốc.
6. Cẩn thận với khí radon
Radon là một loại khí không màu, không mùi được tìm thấy trong đất, là nguyên nhân thứ 2 gây ung thư phổi. Khi khí radon bị mắc kẹt trong không gian kín, chẳng hạn như tầng hầm, nó có thể khiến nồng độ radon trong không khí tăng lên mức có hại. Vì vậy việc kiểm tra nồng độ radon rất quan trọng.
7. Những nguyên nhân đáng ngạc nhiên khác gây ung thư phổi
Tiếp xúc với bức xạ lâu dài do môi trường hoặc nghề nghiệp, amiăng, các bệnh viêm phổi mãn tính như giãn phế quản hoặc viêm phế quản mãn tính, hít phải các chất ô nhiễm và bụi trong thời gian dài. đều có thể gây ung thư phổi. Nếu bạn làm nghề liên quan đến việc hít phải bụi, hãy nhớ đeo thiết bị bảo vệ đường hô hấp.
8. Ung thư phổi giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng
Bạn rất có thể bỏ lỡ các dấu hiệu của ung thư phổi vì các triệu chứng chỉ xuất hiện sau khi ung thư đã tiến triển, đó là lý do tại sao nhiều người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi có tế bào ung thư đã di căn.
7% bệnh ung thư phổi được chẩn đoán thông qua các triệu chứng đang ở giai đoạn 4 và không thể chữa khỏi. Vì vậy, bạn hãy hết sức cẩn thận nếu bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát, ho dai dẳng, đau vai, lưng hoặc ngực, khó thở, khàn giọng hoặc thở khò khè hoặc mệt mỏi.
9. Khám sàng lọc
Những người trong độ tuổi từ 55 tới 75, hút một gói thuốc mỗi ngày trong hơn 30 năm hoặc đã bỏ hút thuốc dưới 15 năm trước, cần đi khám sàng lọc ung thư phổi hằng năm.
Khoảng 70% số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi khi sàng lọc mắc bệnh ở giai đoạn đầu.
10. Tỷ lệ sống sót
Nếu được phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm, chức năng phổi và sức khỏe vẫn còn tốt, khả năng chữa khỏi rất cao.
Đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 1 được chẩn đoán trong chương trình sàng lọc phổi, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 90%.