HLV Phạm Hoàng Vũ (làm việc tại Onus Private Fitness, Đà Nẵng) cho biết, estrogen và progesterone là 2 hormone cực kỳ quan trọng ở phụ nữ. Hầu như đa số phụ nữ chúng ta đều dễ bị mất cân bằng (hay còn gọi là rối loạn hormone). Điều này có thể dẫn đến các biểu hiện như kinh nguyệt không đều, cơ thể tích nước, tâm trạng bất thường, giảm ham muốn tình dục, mất ngủ, tích mỡ bụng, trầm cảm, mệt mỏi, nóng tính, đầy bụng, lo lắng, đau nửa đầu...
BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp) cũng chung nhận định này. Nếu bạn đang gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên, giới chuyên gia khuyên nên đi đến thăm khám bởi bác sĩ ngay chứ tuyệt đối không tự chẩn đoán.
Song song với việc này, chị em có thể tìm cách cân bằng tự nhiên giữa progesterone và estrogen trong cơ thể. HLV Phạm Hoàng Vũ đưa ra loạt giải pháp dưới đây:
1. Duy trì tập luyện chăm chỉ, nạp nhiều tinh bột hơn
Trong giai đoạn trước rụng trứng, bạn nên duy trì việc tập luyện chăm chỉ và nạp nhiều tinh bột hơn. Năng lượng và khả năng chịu đau cao hơn trong tuần 1-2 nên được sử dụng để tạo lợi thế cho chị em để thúc đẩy tiến độ và tập nặng hơn. Cơ bắp cũng dễ sử dụng glycogen hơn. Và tinh bột, chính là nhiên liệu được ưu tiên hàng đầu lúc này.
Vào giai đoạn rụng trứng, sức mạnh sẽ tăng khoảng 11% vào giữa chu kỳ so với cả giai đoạn trước rụng trứng và sau rụng trứng. Tuy nhiên, trong giai đoạn rụng trứng, việc dây chằng bị giãn có thể dẫn đến tỷ lệ chấn thương cao hơn nên cần thận trọng những bài tập có nguy cơ gây chấn thương cao.
Trong giai đoạn sau rụng trứng, khi progesterone tăng lên, cơ thể bắt đầu sử dụng chất béo dự trữ để tạo năng lượng và hiệu ứng nhiệt của thực phẩm được tăng lên. Giảm béo sẽ hiệu quả hơn vào thời điểm này.
Khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt, bạn phải làm những gì mà mình cảm thấy thoải mái và phù hợp nhất. Hầu hết chị em sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều ở giai đoạn này. Cường độ tập luyện có thể được tăng lên. Tuy nhiên, hãy chú ý lắng nghe cơ thể của bạn vì hơn ai hết, bạn hiểu rõ chính mình.
2. Tránh thực phẩm gây "tăng cường lượng estrogen"
Mấu chốt ở sự rối loạn những hormone này đó là sự không cân bằng và chúng ta cần tìm cách đưa nó về cân bằng. Lúc này, chị em nên tránh ăn trái cây khô, hạt lanh, các sản phẩm từ đậu nành và bánh mì lúa mạch đen.
3. Ăn thực phẩm giàu kẽm
Những thực phẩm giàu kẽm như hàu, thịt đỏ và sô cô la đen có vai trò rất quan trọng lúc này để cân bằng estrogen và progesterone. Nguyên nhân bởi những thực phẩm này rất giàu kẽm. Trong khi đó, kẽm rất quan trọng đối với sự cân bằng estrogen và progesterone.
4. Ăn thực phẩm giàu sắt
Những thực phẩm giàu sắt được HLV Phạm Hoàng Vũ gợi ý là rau lá xanh, cá và thịt nạc. Đặc biệt là chị em phụ nữ thời đại bây giờ hầu như đều dễ bị thiếu sắt sau kỳ kinh nguyệt, càng nên tăng cường bổ sung những thực phẩm này.
5. Ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B
Vitamin B có nhiều trong khoai tây, chuối và ngũ cốc nguyên hạt. Trong khi gan cần vitamin B để chuyển hóa estrogen. Do đó nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B vào lúc này.
6. Ăn thực phẩm giàu vitamin C
Những thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, ổi, cà chua... rất cần thiết để sản xuất progesterone, đồng thời củng cố sức khỏe niêm mạc tử cung, giúp tử cung luôn khỏe mạnh. Đây cũng là nhóm thực phẩm bạn nên ăn khi bị rối loạn nội tiết.
7. Tránh uống thuốc tránh thai hàng ngày
Theo BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, thuốc tránh thai hàng ngày chứa progesterone, khiến nồng độ tiết tố nữ thay đổi. Khi đó cơ thể phụ nữ sẽ hiểu lầm rằng sự thay đổi progesterone là dấu hiệu mang thai và ngưng kích thích rụng trứng. Đồng thời có thể làm giảm các triệu chứng đau bụng kinh, khi đó chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ chậm lại.
8. Thực hiện các chế độ ăn kiêng theo hướng dẫn của huấn luyện viên
HLV Phạm Hoàng Vũ cho biết, trong giai đoạn này, để cân bằng estrogen và progesterone, chị em nên thực hiện các chế độ ăn kiêng được tư vấn bởi các huấn luyện viên, PT để vừa điều hòa nội tiết vừa giữ dáng đẹp xinh, cơ thể tràn đầy năng lượng.