Bác sĩ tim mạch Huang Jianlong tại Bệnh viện Zhenxing (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, thói xấu khi ăn uống ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Trong ba bữa ăn chính một ngày thì bữa sáng là có ảnh hưởng lớn nhất tới bệnh tim mạch, tiếp theo là bữa tối. Khi ngồi ghế chuyên gia tại chương trình y tế trực tuyến nổi tiếng Đài Loan "Cuộc sống khỏe mạnh" số gần đây, ông đã chia sẻ một trường hợp nam bệnh nhân suýt tử vong vì nhồi máu cơ tim do không chú trọng 2 bữa ăn này.
Nhồi máu cơ tim có thể "tấn công" người trẻ tuổi vì những thói quen xấu khi ăn uống (Ảnh minh họa)
Cụ thể, anh này 29 tuổi, vì gia đình kinh tế không tốt nên phải làm 2 công việc một ngày. Ban ngày anh làm nhân viên kinh doanh cho một công ty bán hàng online, ban đêm thì anh đi làm bảo vệ theo ca. Theo lời kể của bệnh nhân, dù làm cả 2 việc cùng lúc nhưng cũng không quá nặng nhọc về thể chất, công việc ban ngày cũng có thể sắp xếp thời gian linh hoạt để tranh thủ nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, khoảng thời gian bận rộn nhất là đầu giờ sáng và khi chuyển ca buổi tối. Chính điều này đã khiến anh hình thành 2 thói quen ăn uống cực hại cho tim mạch: nhịn bữa sáng và ăn tối muộn hoặc thường xuyên ăn khuya trong nhiều năm liền.
Vốn cao to lại ít khi ốm vặt, bệnh nhân cũng rất ít khi lui tới bệnh viện, không thăm khám sức khỏe định kỳ để tiết kiệm tiền. Khoảng 1 tuần trước, anh liên tục cảm thấy tức ngực, chóng mặt và buồn nôn nhưng vẫn chủ quan. Cho đến khi anh ngất xỉu tại chỗ làm, toàn thân toát mồ hôi lạnh thì đồng nghiệp mới hốt hoảng gọi xe cấp cứu đưa anh tới bệnh viện.
May mắn là cấp cứu kịp thời nên chàng trai đã giữ được tính mạng, thoát khỏi cơn nguy kịch do nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bác sĩ Huang Jianlong chia sẻ thêm rằng bản thân ông cũng phải bất ngờ khi phát hiện cả ba động mạch vành đều bị tắc nghiêm trọng và một trong số đó đã bị tắc hoàn toàn. Trường hợp nghiêm trọng như vậy thường hiếm khi xuất hiện ở người trẻ tuổi, không có bệnh nền và thường xuyên vận động như bệnh nhân này.
Tác hại của bỏ bữa sáng và ăn tối muộn tới sức khỏe tim mạch
Với trường hợp bệnh nhân vừa kể trên, bác sĩ Huang Jianlong giải thích nguyên nhân là do làm việc và nghỉ ngơi không điều độ, đặc biệt là ăn uống không lành mạnh. Cụ thể là bỏ bữa sáng và ăn tối quá muộn, ăn khuya, ngoài ra còn thường xuyên ăn đồ ăn nhanh.
Dù bận rộn đến mấy cũng đừng bao giờ bỏ bữa sáng nếu muốn khỏe mạnh (Ảnh minh họa)
Ông cũng cho biết, một nghiên cứu quốc tế đã theo dõi hàng nghìn người trong hơn 10 năm và phát hiện ra rằng so với những người thường ăn sáng, những người không ăn sáng có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch tăng lên 87%. Đồng thời, tỷ lệ mắc đột quỵ, nhồi máu cơ tim ở họ cũng tăng gấp khoảng 3 lần. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc ăn sáng đối với sức khỏe tim mạch.
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cần lưu ý:
Chỉ số ít trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra đột ngột và dữ dội. Còn hầu hết trường hợp đều khởi phát chậm với cảm giác hơi đau hoặc khó chịu ở ngực. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến của nhồi máu cơ tim:
- Cảm giác như bị đè nặng, bó chặt, đau nhói hoặc chèn ép ở ngực hoặc hai cánh tay. Cảm giác này có thể lan đến vai, cổ, hàm hoặc lưng.
- Khó thở.
- Ớn lạnh.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Khó tiêu, ợ nóng hoặc đau bụng.
- Đổ mồ hôi lạnh.
- Mệt mỏi.
- Choáng váng hoặc chóng mặt đột ngột.
- Một số trường hợp còn có triệu chứng đau lưng, đau đầu hoặc đau hàm.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ cũng đã nhận định rằng tiêu thụ nhiều calorie vào buổi sáng và giảm khẩu phần ăn trong buổi tối có thể góp phần hạ thấp nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc các bệnh về mạch máu. Chủ tịch hiệp hội trên, nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Đại học Columbia (New York) Marie-Pierre St-Onge chia sẻ thời điểm chúng ta ăn uống cũng quan trọng không kém việc chúng ăn tiêu thụ loại thực phẩm gì.
Theo nghiên cứu trên, những người thường xuyên ăn sáng ít có nguy cơ phải đối mặt với các yếu tố dẫn đến bệnh tim như cholesterol cao và cao huyết áp. Trong khi đó, những người bỏ bữa sáng thường dễ mắc phải chứng béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch.
Nguyên nhân chính được đưa ra là thời gian ăn uống có gây ảnh hưởng tới giờ sinh học của cơ thể. Ngoài ra cơ thể con người “xử lý” đường vào ban ngày tốt hơn buổi tối. Đó cũng là lý do việc ăn tối muộn, ăn khuya tác động tiêu cực tới sức khỏe tim mạch.
Các nghiên cứu cho thấy rằng ăn tối sau 19h không tốt cho tim mạch. Bởi khi đó, máu sẽ phải tập trung ở đường tiêu hóa để giúp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn nên khiến nguồn cung cấp máu đến tim bị thiếu, từ đó dễ gây ra hiện tượng đau thắt ngực - dấu hiệu của bệnh tim mạch vành.
Đồng thời, ăn tối muộn và ăn khuya sẽ khiến lượng cholesterol trong máu tăng cao. Khi ngủ, tốc độ di chuyển của dòng máu chậm lại và làm lắng đọng lipid trong các thành động mạch. Đây là lý do hàng đầu gây xơ vữa động mạch, tiền đề cho loạt vấn đề nguy hiểm khi về già như bệnh tim mạch vành, các cơn đau tim và đột quỵ bất ngờ.
Bên cạnh nhịn bữa sáng, ăn tối muộn hoặc ăn khuya cũng rất hại cho tim mạch (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Huang Jianlong còn trích dẫn thêm nghiên cứu từ trường Đại học Y Vagelos (New York) của Tiến sĩ Makarem và các đồng nghiệp trên 112 phụ nữ khỏe mạnh, tuổi trung bình 33. Kết quả cho thấy những người nạp nhiều calo sau 18h hàng ngày thì có sức khỏe tim mạch kém hơn. Huyết áp và chỉ số khối cơ thể có xu hướng tăng, khả năng kiểm soát lượng đường trong máu kém.
Vì vậy, ông khuyên mỗi chúng ta, dù ở độ tuổi nào cũng nên ăn đủ ba bữa một ngày trong khoảng thời gian hợp lý và đều đặn, không ăn khuya. Bên cạnh đó, nên bổ sung rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám, sữa ít béo, thịt gia cầm và cá… đồng thời giảm bớt thức ăn chế biến từ thịt đỏ, các món quá mặn hoặc nhiều đường, thức ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ… để bảo vệ tim mạch.
Nguồn và ảnh: Skypost, QQ, Asia One