Ảnh minh họa
Nam hay nữ đều có thể mắc ung thư vì những thói quen xấu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, do sự khác biệt về sinh học và thói quen sống mà một số bệnh ung thư chỉ mắc hoặc phổ biến hơn ở từng giới tính. Khoa học chứng minh rằng có 3 thói quen xấu khiến phụ nữ dễ mắc ung thư hơn nhưng ít ai ngờ tới, bao gồm:
1. Lạm dụng mỹ phẩm
So với nam giới, phụ nữ sử dụng nhiều mỹ phẩm hơn. Tuy nhiên, làm đẹp cũng cần có kiến thức. Khi sử dụng mỹ phẩm, bao gồm cả chăm sóc da, trang điểm, dưỡng tóc, nước hoa… thì một số hóa chất có trong mỹ phẩm có thể thấm qua da vào trong cơ thể với số lượng đáng kể. Nếu lạm dụng chúng thì về lâu về dài khó tránh khỏi ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là làm tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh ung thư.
Bởi đa số mỹ phẩm lưu thông trên thị trường hiện nay đều có chứa hóa chất độc hại và nếu dùng dài kỳ, lạm dụng có thể gia tăng bệnh ung thư. Phổ biến nhất là ung thư vú, ung thư da, ung thư máu, ung thư cổ tử cung. Ví dụ như trong nước hoa có chứa phthalate hay dầu gội, thuốc xịt khử mùi tổng hợp, sơn móng tay đều có chứa benzen. Các chất này đều là thủ phạm làm gia tăng bệnh ung thư. Đặc biệt là nếu mỹ phẩm chứa hormone hoặc thành phần làm rối loạn hormone thì tỷ lệ ung thư lại càng cao.
Đáng lo là nhiều khi chính các hãng sản xuất cũng đã che giấu các thành phần này, không ghi rõ trên nhãn mác nên người tiêu dùng không biết độc tính, vô tư sử dụng, khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Theo khuyến cáo, khi mua mỹ phẩm, nước hoa hay bất kỳ sản phẩm làm đẹp nào nên tránh các thành phần như Butylene Glycol (có trong thuốc xịt và thuốc nước), Zirconium (sơn móng tay), Tartrazine, Nickel Sulphate (thuốc nhuộm tóc và chất làm se da), Potassium Bromatee (nước súc miệng và kem đánh răng) và Resorcinol (son môi và thuốc nhuộm tóc).
Ngoài ra, các loại hóa chất có trong mỹ phẩm còn có thể gây thiệt hại DNA trong các tế bào sinh sản. Ví dụ, parabens gây dị ứng có trong mỹ phẩm dưới dạng thành phần kháng khuẩn được xem là bất lợi cho các tế bào sinh sản của cơ thể, tăng nguy cơ vô sinh.
2. Uống thuốc tránh thai lâu dài
Thuốc tránh thai đường uống là loại thuốc chứa hormone, được uống qua miệng để tránh mang thai ngoài ý muốn. Thuốc này hiệu quả cao, không xâm lấn và rất tiện lợi nên đã được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cách kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư của phụ nữ, nhất là với thuốc tránh thai đường uống.
Dữ liệu từ các nghiên cứu quan sát không thể xác định chắc chắn thuốc tránh thai sẽ gây ra (hoặc ngăn ngừa) ung thư. Nguyên nhân là bởi vì những phụ nữ uống thuốc tránh thai có thể khác biệt một số điểm với người không sử dụng biện pháp này và có thể chính những khác biệt này tạo ra nguy cơ ung thư chứ không phải trực tiếp là do thuốc tránh thai đường uống.
Nhưng nhìn chung thì các nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng nhất quán rằng nguy cơ ung thư vú và ung thư cổ tử cung tăng lên ở những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, trong khi nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, buồng trứng và đại trực tràng lại được giảm bớt.
Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) ở Lyon, Pháp và tổ chức nghiên cứu Ung thư Anh đã thông qua một nghiên cứu với những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai lâu dài có khả năng mắc ung thư cổ tử cung cao hơn rất nhiều lần những phụ nữ khác.
Cụ thể, những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai kéo dài trong khoảng 9 năm có khả năng mắc ung thư cổ tử cung lên đến 60%. Tỷ lệ này sẽ tăng lên gấp đôi nếu sử dụng thuốc tránh thai quá 10 năm. Trong khi đó những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai ít hơn 5 năm sẽ chỉ có tỷ lệ mắc bệnh khoảng 10%.
Có rất nhiều phương pháp tránh thai an toàn, do đó bạn nên tìm cho mình một phương pháp thích hợp để thay thế thuốc tránh thai về lâu về dài. Sử dụng bao cao su vẫn là phương pháp an toàn và hữu hiệu nhất để bạn tránh thai và giảm thiểu các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục được các bác sĩ khuyên dùng.
3. Nhuộm tóc, tẩy tóc thường xuyên
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số hóa chất trong các loại thuốc làm tóc có thể làm rối loạn nội tiết, có khả năng gây ung thư. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Quốc tế về Ung thư của Mỹ năm 2019 cho thấy, một số chất trong hơn 5.000 hóa chất của sản phẩm làm tóc có thể gây ra các khối u ở chuột. Một số còn có thể làm thay đổi DNA của tế bào và gây rối loạn nội tiết, có chứa formaldehyde là chất gây ung thư.
Chương trình Độc chất học Quốc gia (NTP) của Mỹ xác nhận một số hóa chất được sử dụng trong thuốc nhuộm tóc có thể gây ung thư ở người. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (IARC), những người làm tóc chuyên nghiệp tiếp xúc với hóa chất thường xuyên có khả năng ung thư hơn những người thỉnh thoảng sử dụng thuốc làm tóc. Đặc biệt là với thuốc nhuộm tóc.
Thuốc nhuộm tóc chứa nhiều loại hóa chất, trong đó có một chất hóa học là p-phenylenediamine, được tổ chức Y tế thế giới xếp vào danh sách chất gây ung thư loại 3. Nếu tiếp xúc với một lượng lớn p-phenylenediamine trong thời gian ngắn có thể gây ngộ độc cấp tính cho cơ thể.
Theo nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, nhuộm tóc càng lâu, dùng màu càng đậm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao. Tỷ lệ ung thư ở phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này. Tỷ lệ này càng cao hơn nếu chị em nhuộm quá thường xuyên hoặc dùng phương pháp tẩy tóc.
Hay nghiên cứu năm 2020 của trường Y Harvard (Mỹ) trên hơn 117.000 phụ nữ ở Mỹ phát hiện ra mối liên quan giữa thuốc nhuộm tóc và sự gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư gồm: ung thư biểu mô tế bào đáy (ở phụ nữ có mái tóc màu sáng tự nhiên), ung thư vú, ung thư buồng trứng, u lympho Hodgkin (ở phụ nữ có tóc đen tự nhiên).
Ngoài ra, những bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung còn rất dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Nên các chuyên gia nhắc nhở chị em phụ nữ nên học cách kiểm soát cảm xúc, không nên tiêu cực hoặc để mình bị căng thẳng kéo dài. Đương nhiên, cũng nên từ bỏ thói xấu thức khuya, lười vận động, ăn uống không lành mạnh… để tránh xa bệnh ung thư.
Nguồn và ảnh: Sohu, Women’s Health, Top Beauty