Tiểu đường có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ người già đến người trẻ, thậm chí là trẻ sơ sinh. Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2017, cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh, khoảng 1/6 số trẻ sinh ra bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ.
Tuy nhiên, bệnh tiểu đường thường được phát hiện muộn và chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Vì vậy, ngoài các triệu chứng đặc hiệu như ngứa hay phù nề tay chân, sụt cân bất thường, thị lực giảm, tiểu nhiều lần, luôn đói và mệt mỏi… thì cũng đừng chủ quan với 4 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường khi ngủ sau đây:
1. Mất ngủ, khó ngủ
Rối loạn giấc ngủ là 1 trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh tiểu đường, đa số là mất ngủ hoặc khó ngủ, ngủ trằn trọc và thường xuyên tỉnh giấc.
Bởi vì chỉ số đường huyết của bệnh nhân tiểu đường có thể bị dao động bất thường, quá thấp hoặc quá cao vào ban đêm. Nếu đường huyết quá cao sẽ dẫn đến khó vào giấc ngủ, khát nước, buồn tiểu, ngủ không sâu giấc, dễ bị giật mình. Trong khi đó, đường huyết hạ đột ngột lại gây ra đổ mồ hôi, chóng mặt, đói bụng, run người vào ban đêm, dẫn đến khó ngủ, mất ngủ.
Ngoài ra, bản thân bệnh tiểu đường cũng gây lo lắng, trầm cảm, khiến bạn khó ngủ, dễ tỉnh giấc. Các triệu chứng khác như ngứa tay chân, vã mồ hôi cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân tiểu đường.
2. Tiểu đêm
Tiểu đêm cũng là 1 trong những triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường, thường xuất hiện sớm ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.
Bởi vì khi đường huyết tăng cao, độ nhớt trong máu tăng khiến thận phải làm việc quá tải, các mao mạch ở thận sẽ bị tổn thương, dày lên, làm cản trở khả năng lọc máu và kéo theo rối loạn tái hấp thu nước ở ống thận.
Trong khi đó, đường huyết tăng làm thận phải kéo nước từ cơ thể để pha loãng nước tiểu, làm cho khối lượng nước tiểu được tạo ra nhiều hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều hơn, đặc biệt là vào ban đêm, nước tiểu thậm chí có nhiều bọt hơn bình thường.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bạn bị đánh thức trên 3 lần bởi cơn buồn tiểu khi đang ngủ vào ban đêm trong nhiều ngày, tốt nhất là hãy đến bệnh viện để kiểm tra.
3. Ngủ ngáy và chân khó yên lúc ngủ
Nếu bạn đột nhiên ngủ ngáy và tình trạng này không biến mất sau nhiều ngày, tốt nhất hãy sớm đo chỉ số đường huyết của mình.
Bởi vì hội chứng ngưng thở khi ngủ, hay thường gọi là ngáy khi ngủ là 1 dạng rối loạn phổ biến với người bị tiểu đường. Tình trạng này sẽ xảy ra khi bạn ngừng thở liên tục và rồi hít thở trở lại suốt cả đêm. Trong một nghiên cứu năm 2009 tại Mỹ, kết quả cho thấy 86% bệnh nhân tiểu đường tham gia đều bị ngưng thở khi ngủ và có tới 55% trong số đó bị rối loạn nặng, cần can thiệp y tế.
Chứng ngưng thở lúc ngủ thường sẽ xảy ra ở tiểu đường tuýp 2 nhiều hơn tuýp 1. Nguyên nhân là vì những người bị tuýp 2 thường dễ thừa cân, béo phì, khiến cho đường hô hấp bị đè nén chặt lại.
Bên cạnh đó, hội chứng chân không yên (RLS) cũng là 1 trong những tác động phổ biến của tiểu đường đến giấc ngủ. Chứng RLS thường gặp ở người mắc bệnh tiểu đường, bệnh về thận và rối loạn tuyến giáp. Nó khiến cho chân của bạn liên tục bị kích thích, làm chúng muốn được di chuyển nhiều hơn khi ngủ.
4. Hay ngủ gật
Nếu bạn đã ngủ cả đêm, ngủ 1 trên 6 tiếng 1 ngày nhưng vẫn liên tục ngủ gật khó kiểm soát thì hãy cẩn trọng với bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2. Bởi vì người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thường bị hạ đường huyết quá mức, gây ra tình trạng cơ thể mệt mỏi, ngủ gật thường xuyên.
Đường huyết hay còn gọi là glucose máu là cách gọi chỉ nồng độ glucose trong máu, đây là nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động sống hằng ngày của mỗi người, nên khi bị suy giảm sẽ dẫn tới các triệu chứng trên.
Tuy nhiên, thiếu ngủ, ngủ gật cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác, nên tốt nhất hãy để ý các dấu hiệu khác của hạ đường huyết do tiểu đường như run tay, hồi hộp, vã mồ hôi… Bạn cũng nên nhờ người thân kiểm tra lượng đường trong máu lúc ngủ gật, nếu nhỏ hơn 3.9mmol/L thì cần có biện pháp xử lý hạ đường huyết kịp thời.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Healthline, WHO