Báo Daily Mail ngày 24-11 đưa tin cho đến nay, chỉ có 10 trường hợp của chủng này, có thể được đặt tên là "Nu", được phát hiện. Tuy nhiên, nó đã xuất hiện ở 3 nước, cho thấy biến thể này dễ lây lan hơn. Ngoài ra, nó còn mang 32 đột biến, nhiều đột biến cho thấy nó có khả năng lây nhiễm cao, kháng vắc-xin và có nhiều thay về protein gai hơn bất kỳ biến thể nào khác của SARS-CoV-2, kể cả Delta.
Giáo sư Francois Balloux, nhà di truyền học tại trường ĐH Cao đẳng London, nói biến thể này có thể xuất hiện trong 1 đợt mắc bệnh lâu dài của 1 bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch. Người này có khả năng mắc bệnh AIDS nhưng chưa được chẩn đoán.
Ở những bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch, Covid-19 có thể kéo dài hàng tháng do cơ thể không thể chống lại nó. Điều này cho phép virus SARS-CoV-2 có thời gian để đột biến, giúp nó xâm nhập vào hệ thống phòng thủ của cơ thể.
Các loại biến thể của COVID-19. Ảnh: Daily Mail
Những thay đổi về protein gai khiến cho các loại vắc-xin hiện tại khó chống lại biến thể mới vì vắc-xin "huấn luyện" hệ thống miễn dịch phát hiện loại protein gai cũ của virus. Tiến sĩ Tom Peacock, nhà virus học tại trường ĐH Imperial, mô tả sự kết hợp đột biến của biến thể này là "khủng khiếp".
Ông Peacock cảnh báo B.1.1.529, tên khoa học của biến thể này, có khả năng "tồi tệ hơn gần như bất cứ chủng nào khác", bao gồm cả chủng Delta đang hoành hành trên thế giới. Giáo sư Balloux nhận định B.1.1.529 có thể né được kháng thể nhiều hơn Delta.
Dù vậy, các nhà khoa học cho biết số lượng đột biến chưa từng có của biến thể này có thể khiến nó trở nên "không ổn định" và khó lây lan. Theo họ, "không cần phải quá lo lắng" vì chưa có dấu hiệu nào cho thấy B.1.1.529 đang lan ra nhanh chóng.
Đến nay, 3 ca nhiễm biến thể B.1.1.529 đã được phát hiện ở Botswana, 6 ca ở Nam Phi và 1 ca ở Hồng Kông.