"Tuần rồi, mình thăm khám cho một cặp vợ chồng với bệnh cảnh khá đặc biệt. Chồng 50 tuổi và mới trải qua một trận đột quỵ xuất huyết não. Hiện tại, sức khỏe của anh cải thiện nhưng chuyện sinh lý bị ảnh hưởng trầm trọng. Muốn gần gũi vợ, nhưng dương vật không thể cương cứng được. Anh rất buồn phiền và cả hai tìm đến bác sĩ Tân để tư vấn. Thực tế cho thấy, vấn đề rối loạn cương dương sau đột quỵ cũng hay gặp khi khám và tư vấn các trường hợp nam khoa. BS Tân xin chia sẻ vài điểm cần chú ý đến mọi người như sau", BS. Tân chia sẻ.
I. Về vấn đề đột quỵ
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (Stroke) hay gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra đột ngột và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới: cứ 3 phút trung bình có 1 ca tử vong do đột quỵ. Hàng năm, hơn 200.000 người bị đột quỵ ở nước ta thì 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% bình phục hoàn toàn.
Đột quỵ xảy ra khi não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy và dinh dưỡng để nuôi các tế bào.
Người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.
Phân loại đột quỵ chính:
- Đột quỵ do thiếu máu: do tắc nghẽn động mạch, chiếm khoảng 85%.
• Đột quỵ do huyết khối: Tắc nghẽn do hình thành các cục máu đông hoặc do mảng bám tích tụ trong động mạch ở cổ hoặc não.
• Đột quỵ do tắc mạch: Các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể, thường gặp nhất là tim. Sau đó, di chuyển đến não gây tắc nghẽn.
- Đột quỵ do xuất huyết: chiếm 15%, do vết nứt trên bề mặt não hoặc động mạch não gây xuất huyết mà nguyên nhân có thể là do phình mạch hay hệ thống mạch máu não bị dị dạng. Đột quỵ do xuất huyết chiếm khoảng 15% số ca đột quỵ.
2. Điều trị và biến chứng sau đột quỵ
Người bị đột quỵ cần được cấp cứu y tế, chẩn đoán và điều trị ngay lập tức.
Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ được hiểu là thời gian tốt nhất để cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ, có tỷ lệ phục hồi cao và biến chứng thấp nhất.
• Từ 4 đến 5 giờ đối với nhồi máu não dùng thuốc tan máu đông.
• Trong vòng 6 giờ đối với nhồi máu não can thiệp lấy huyết khối.
Sau đó chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh lý rối loạn cương dương ở trường hợp của anh này nhé:
II. Về vấn đề Rối loạn cương
1. Rối loạn cương (dương) là gì?
Rối loạn cương (RLC) là bệnh lý rối loạn tình dục khá phổ biến ở nam giới, chiếm khoảng 30%. Đây là tình trạng mà nam giới không thể có được độ cương cứng của dương vật để đáp ứng các hoạt động tình dục.
Bệnh này có thể xảy ra một cách thường xuyên hoặc chỉ một vài thời điểm.
Bệnh không đe dọa tính mạng người bệnh, nhưng có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và bạn tình của họ.
Bệnh gia tăng theo tuổi và có liên quan với các bệnh lý nền như: đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
2. Thăm khám RLC như thế nào?
Các bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử về quan hệ tình dục của người bệnh: thời gian xuất hiện RLC, tần suất quan hệ trong vài tháng nay, có bệnh lý nền hay có đang dùng các loại thuốc gì điều trị bệnh lý nền không, có bị stress trong công việc hay gia đình…
Sau đó, các bác sĩ nam khoa sẽ thăm khám để phát hiện các bất thường có hay không ở dương vật, lỗ tiểu, bao quy đầu, bìu và tinh hoàn.
Quan trọng hơn cả, các bác sĩ sẽ đánh giá độ cương của bệnh nhân bằng cách cho họ sờ và tự cảm nhận qua thang điểm EHS.
Thang này gồm 4 mức độ: 1 tương ứng mật độ của đậu hũ, 2 tương ứng mật độ của chuối đã lột vỏ, 3 tương ứng mật độ của chuối chưa lột vỏ và 4 tương ứng mật độ của dưa leo.
Người bình thường sẽ có mật độ cương cứng của dương vật như sờ vào quả dưa leo trong bảng mô hình.
Sau cùng, người bệnh được đi làm xét nghiệm máu đánh giá về nội tiết tố nam (testosterone) và các rối loạn khác có hay không.
Tổng hợp các thông tin trên, BS sẽ chẩn đoán mức độ rối loạn cương và lên phương án điều trị.
Theo @Lotus THS. BS LÊ VŨ TÂN