Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 2019, có khoảng 14,12 triệu ca mắc ung thư mới trên toàn thế giới và tỉ lệ bệnh nhân ung thư tử vong chiếm 58,1% trong số đó. Sự xuất hiện của ung thư không chỉ do gen di truyền mà còn được tác động bởi các yếu tố gây ung thư trong cuộc sống như môi trường hay thói quen sống...
1. Bát ăn giả sứ: Chứa formaldehyde
Bát giả sứ được yêu thích vì bề ngoài nhìn rất giống sứ thật nhưng lại nhẹ nhàng và có giá rẻ hơn. Tuy nhiên, bát đĩa giả sứ không hề vô hại như bạn nghĩ.
Thành phần chính của đồ sứ giả làm từ nhựa melamine chỉ chịu được nhiệt độ dưới 120 độ C. Nếu được dùng để đựng thực phẩm ở nhiệt độ quá cao phần nhựa melamine sẽ bị phân hủy và tạo thành nhiều chất có hại, trong đó bao gồm formaldehyd.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo: Formaldehyde, dù ở hàm lượng thấp cũng đủ khiến những người tiếp xúc lâu dài mắc các loại ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi. Không những vậy, formaldehyde còn là tác nhân gây ra sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể, gây hại cho bào thai.
Để đảm bảo an toàn cho gia đình, bạn nên ưu tiên lựa mua các loại chén bát làm bằng thép không gỉ, bát men, bát tre và gỗ, nhất là bát thủy tinh hoặc sứ thật lại càng tốt. Không dùng đồ giả sứ để đựng thực phẩm nóng, chẳng hạn như dầu nóng hay để quay trong lò vi sóng để tránh giải phóng formaldehyd.
2. Đũa gỗ cũ: Chứa aflatoxin
Trong mâm cơm của hầu hết các gia đình đều không thể thiếu những đôi đũa gỗ. Tuy nhiên khi dùng đũa gỗ bạn nên hết sức thận trọng vì nó dễ sản sinh nấm mốc trong thời tiết ẩm ướt. Trong nấm mốc có thể chứa độc tố aflatoxin.
Hơn nữa, đũa càng dùng lâu thì càng dễ nứt nẻ. Đồ ăn thừa dễ bị tụ lại ở những điểm nứt nhỏ, khó vệ sinh và dễ tạo ra nấm mốc.
Aflatoxin là một loại độc tố được sản sinh bởi nấm Aspergillus flavus. Bản thân đũa gỗ không chứa Aspergillus flavus, nhưng qua quá trình sử dụng, đũa không được vệ sinh sạch sẽ lại được đặt trong môi trường nhà bếp ẩm thấp nên có thể sinh ra độc tố aflatoxin.
Để phòng ngừa nấm mốc trong đũa gỗ, mọi người nên rửa đũa thật sạch sau mỗi lần dùng. Thường xuyên lấy đũa ra phơi nắng. Thường xuyên khử trùng tủ đựng bát đũa. Nên thay đũa gỗ 6 tháng/lần.
3. Chiếc ghế sofa trong phòng khách: Chứa TCEP
Chiếc ghế bành trong phòng khách là món đồ vật mà các gia đình phải bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng rất nhiều loại nệm, ghế sofa… đã được xử lý bằng TCEP - một chất chống cháy được biết đến có khả năng gây ung thư. Một nghiên cứu của Đại học Duke, Mỹ cho thấy tất cả những người sử dụng ghế bành, được thử nghiệm đều có chứa chất TDEP trong máu.
4. Nến thơm trong phòng ngủ: Chứa benzen
Theo chuyên gia về các chất ô nhiễm môi trường, Anne Steinemann: Nến thơm là một sản phẩm thường chứa nhiều loại hóa chất nguy hiểm như benzen và toluen.
Trong đó, benzen là một hyđrocacbon thơm, trong điều kiện bình thường là một chất lỏng không màu, mùi dịu ngọt dễ chịu, dễ cháy. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp chất benzen vào danh sách những hoá chất gây bệnh ung thư.
Dù nhiều người thích đốt nến thơm ở đầu giường khi ngủ nhưng các chuyên gia khuyên nên tránh tiếp xúc quá nhiều và lâu với các loại nến này bởi trong quá trình đốt, chúng sẽ lan truyền nhiều chất độc hại tới môi trường xung quanh, gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
(Nguồn: The Healthy, Sohu)