Trong thời đại xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, không ít bạn trẻ đang gặp nhiều vấn đề tâm lý, về áp lực cuộc sống và công việc. Mỗi khi gặp phải những chuyện không như như ý, một số bạn có xu hướng nghĩ nhiều về vấn đề đó đến mức: mất ăn, mất ngủ,.v.v. gây ảnh hưởng đến những hoạt động khác trong cuộc sống.
Tuy nhiên, những suy nghĩ này lại không giúp ích cho việc giải quyết vấn đề đang gặp phải, thậm chí làm những vấn đề này trở nên rắc rối và khó giải quyết hơn, những bạn trẻ này sẽ dễ lâm vào tình trạng "mắc kẹt" trong chính suy nghĩ của bạn thân. Đó chính là những biểu hiện của một hội chứng có tên overthinking.
Hội chứng overthinking là gì? Có phải bệnh tâm thần?
Hội chứng overthinking (hay còn gọi là hội chứng rối loạn lo âu) là tình trạng suy nghĩ quá nhiều hay quá mức cần thiết của người bệnh. Người mắc chứng overthinking luôn liên tục nghĩ nhiều, trằn trọc và có thể kèm tình trạng giàu cảm xúc. Quá trình này diễn ra liên tục, có thể bao gồm những cảm xúc dằn vặt về hành động, quyết định hay chính suy nghĩ hiện tại và trong quá khứ. Mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều có thể mắc chứng overthinking và rơi vào tình trạng suy nghĩ quá nhiều.
overthinking không phải là một bệnh tâm thần chính thức, mà nó thường được coi là một trạng thái tâm lý. Tuy nhiên, overthinking có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của một người. Hiện nay, có nhiều bằng chứng y khoa cho thấy rằng overthinking là một quá trình suy nghĩ tiêu cực, lặp đi và lặp lại. Chúng là một cơ chế nhân quả liên quan đến sự phát triển và duy trì một số bệnh lý tâm thần như: trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ hoặc tệ hơn là có ý định tự sát.
Ngày càng nhiều bạn trẻ mắc hội chứng overthinking mức độ trầm trọng, trong số đó không ít trường hợp có thái độ tiêu cực, có ý định tự sát
Dấu hiệu của hội chứng overthinking và cách phòng tránh
Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc hội chứng overthinking như:
1. Quá phân tích, suy nghĩ quá nhiều về mọi khía cạnh của một vấn đề và không thể dừng lại.
2. Bạn dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo lắng về tương lai mà không thể tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc ở hiện tại. Bên cạnh đó, bạn có thể cảm giác lo lắng mà không có lý do cụ thể hoặc căn cứ rõ ràng.
3. Khó ngủ: suy nghĩ quá nhiều có thể gây rối loạn giấc ngủ và khó khăn trong việc thư giãn.
4. Mất tập trung: suy nghĩ quá nhiều và lo lắng có thể làm mất tập trung và hiệu suất làm việc của bạn. Luôn có một cảm giác mệt mỏi về cả tinh thần lẫn thể chất.
Để phòng tránh suy nghĩ quá mức, bạn nên thực hành một số phương pháp sau:
- Nếu cảm thấy bản thân đang căng thẳng, hãy lùi lại một bước và tự hỏi bản thân xem mình có thể làm gì để thư giãn.
- Luôn tập trung vào những gì đang diễn ra ở hiện tại và cố gắng loại bỏ những suy nghĩ lo lắng, phiền muộn.
- Lạc quan hơn: hãy nhìn nhận cuộc sống theo một cách tích cực hơn. Hãy nghĩ về những điều tốt đẹp mà bạn đang có và tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ ổn.
- Khi những suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm tâm trí, hãy cố gắng đánh lạc hướng bản thân bằng một hoạt động khác như: tập thể dục, chơi thể thao, đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn, dạo phố cùng bạn bè,.v.v.
Mỗi người sẽ luôn có một cách overthinking riêng và mức độ khác nhau, vì vậy trong cuộc sống khi nhận thấy những vấn đề không thể tự xử lý, cần tìm sự giúp đỡ của những người tin cậy hoặc những chuyên gia. Ngoài ra, chúng ta đừng quá khắt khe với bản thân, hãy chia sẻ với người thân, bạn bè để được tư vấn hỗ trợ.