Câu chuyện tưởng đùa mà có thật này đã xảy ra với một cô gái trẻ họ Hoàng, sống tại Thượng Hải, Trung Quốc. Nơi đây nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú, độc lạ, nhất là những món cay như lẩu cay, súp cay, mì cay… nên người dân cũng có sở thích ăn cay.
Vài ngày trước, cô có dịp đến Hồ Nam (Trung Quốc). Nghe nói ẩm thực nơi này còn cay hơn cả Tứ Xuyên, nhiều món cay ngon và lạ hơn ở Thượng Hải nên cô liền rủ mấy người bạn đi ăn thử.
Ảnh minh họa
Tối đó, đang ăn lẩu cay thì bỗng nhiên cô bị sặc. Vị cay tê và sức nóng của lẩu cay khiến cô gái trẻ lên cơn ho dữ dội. Một người bạn vội lấy nước cho cô uống nhưng tình trạng vẫn không khả quan hơn. Đáng sợ nhất là sau khi ho xong cô Hoàng nhăn mặt nói với bạn rằng lúc ho có cảm giác như nghe thấy tiếng xương mình bị gãy vậy.
Mấy người bạn tưởng cô pha trò nên đều phá lên cười. Nhưng chỉ vài giây sau, ai nấy đều tái mặt khi thấy cô Hoàng cúi gập người, nước mắt giàn giụa liên tục kêu đau dữ dội ở ngực và sườn. Ngay cả chủ quán cũng trở nên hốt hoảng và lập tức gọi xe cấp cứu đưa cô đến bệnh viện. Thật không ngờ, kết quả kiểm tra cho thấy cô thật sự bị gãy 4 chiếc xương sườn.
Hình ảnh 4 xương sườn bị gãy vì ho khi ăn lẩu cay của cô gái trẻ họ Hoàng
Những trường hợp cần cẩn trọng với gãy xương sườn do ho
Bác sĩ Thành Thụy, Trưởng khoa Chấn thương và Chỉnh hình của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hồ Nam cho biết, ăn cay không phải nguyên nhân trực tiếp nhưng cũng góp phần ra tình trạng gãy xương của cô Hoàng. Bởi vì khi ăn quá cay và bị sặc khiến thực quản của cô bị kích thích, lập tức ho dữ dội làm cho lồng ngực bị áp lực quá lớn, thậm chí biến dạng nhất thời. Từ đó sẽ gây ra chấn thương, có thể là ở xương ức hoặc xương sườn.
Khi kiểm tra mật độ xương, cho thấy cô Hoàng dù không đến mức bị loãng xương nhưng mật độ xương khá thấp. Đặc biệt, cơ thể cô quá gầy và thiếu nhiều chất dinh dưỡng. Cô Hoàng cao 171cm nhưng chỉ nặng hơn 50kg, dáng người rất gầy, thậm chí còn lộ rõ cả xương sườn ra bên ngoài. Lượng cơ của cô cũng rất ít nên sức nâng đỡ kém, dẫn đến dễ bị chấn thương, gãy xương hơn khi có tác động mạnh.
Bác sĩ cho biết, thể trạng quá gầy gò cũng là một yếu tố khiến cô Hoàng bị gãy xương khi ho
Theo giải thích từ bác sĩ Thành cách điều trị gãy xương sườn thường được áp dụng kết hợp cùng lúc. Đầu tiên là sử dụng các biện pháp kiểm soát đau như thuốc, vật lý trị liệu, các thủ thuật tiêm thuốc tê giảm đau lồng ngực… Đồng thời với đó là nghỉ ngơi kết hợp vận động nhẹ đến mạnh và thực hiện các bài tập thở để tránh biến chứng cho phổi.
Tuy nhiên, nếu người bệnh có mảng sườn di động (tức gãy từ ba xương sườn liền kề ở hai vị trí của mỗi xương) sẽ gây ra biến dạng thành ngực khi thở. Điều này gây đau dữ dội kèm khó thở ở mỗi lần hít vào thở ra của người bệnh, cùng với nguy cơ tác động xấu đến phổi.
Vì vậy, cần phải chỉ định phẫu thuật kết hợp xương bằng vít để hạn chế các biến chứng nặng về sau đồng thời đẩy nhanh quá trình liền xương. Cô Hoàng chính là một trong những trường hợp như vậy. May mắn là tình trạng gãy xương của cô không quá nặng và được điều trị kịp thời nên hồi phục rất nhanh.
Bác sĩ Thành cũng giải thích thêm, với tình trạng gãy xương, đặc biệt là gãy 4 xương cùng lúc do ho mạnh tuy hiếm gặp nhưng không phải chưa từng xảy ra. Thậm chí, ho quá thường xuyên trong một thời gian dài cũng có thể gây biến dạng, gãy xương nhẹ ở một vài vị trí dù ít người thật sự nhận ra. Chỉ khi cơn đau trở nên dữ dội họ mới tìm đến bệnh viện để điều trị.
Ho do gãy xương có thể xảy ra ở những người hay mắc bệnh đường hô hấp (Ảnh minh họa)
Ông chỉ ra có 6 trường hợp có nguy cơ gãy xương khi ho cao nhất, đó là:
- Người bị loãng xương.
- Người bị ung thư xương, hội chứng xương thủy tinh.
- Người cao tuổi hoặc trẻ em dưới 6 tuổi.
- Người có bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp.
- Người mắc bệnh mạn tính liên quan đến đường hô hấp, nhất là phế quản.
- Người có thể trạng quá gầy.
Đặc biệt, trong thời tiết mùa đông, nhiệt độ xuống thấp như hiện nay thì tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp càng cao. Như vậy cũng kéo theo nguy cơ chấn thương, gãy xương khi ho cao hơn. Vì vậy ông nhắc nhở cần chữa trị các bệnh hô hấp kịp thời, cố gắng kiểm soát lực ho và tư thế ho.
Ngoài ra, cần phải bổ sung canxi thường xuyên và đúng cách. Tập thể dục đều đặn cũng là một cách tuyệt vời để nâng cao sức khỏe, độ dẻo dai của xương khớp. Còn nếu như gặp các chấn thương về xương khớp, dù nhẹ cũng không nên tự xử lý tại nhà hay theo mẹo dân gian lưu truyền. Tốt nhất là tìm đến bác sĩ chuyên khoa để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Nguồn và ảnh: KKnews, QQ, ETtoday