Từ những nguyên liệu thuần tự nhiên như bông hoa, rễ cây, lá và hạt tạo nên các thức trà thảo mộc có mùi hương và hương vị vô cùng dễ chịu, tạo cho con người ta cảm giác thư giãn và thoải mái mỗi khi được thưởng trà.
Môi trường sống của chúng ta ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, các loại thực phẩm để nuôi sống con người ngày càng bị nhiều loại chất hóa học tấn công, thêm vào đó áp lực công việc, cuộc sống gia đình khiến con người luôn căng thẳng và sinh ra nhiều chất độc tích tụ, nhiều tật bệnh.
Trà thảo mộc ngày càng được ưa chuộng sử dụng bởi bên cạnh sự thơm ngon từ mùi vị, sự thư thái khi thưởng thức, nó còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: Giúp giải độc cơ thể, hỗ trợ hạ men gan, hạ mỡ máu, hạ huyết áp, mang lại giấc ngủ ngon và sâu giấc hơn…
Hoa, lá, cỏ cây là thức ăn hàng ngày của chúng ta nhưng không phải ai cũng biết rõ chúng có nhiều tác dụng chữa bệnh và phòng bệnh như thế nào. Uống trà chính là cách tìm đến với thiên nhiên được coi là một trong những liều thuốc hữu hiệu …
Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu một số loại trà thảo mộc giúp giải độc cơ thể.
Trà hoa cúc giải độc cơ thể hiệu quả.
1. Trà hoa cúc giúp giải độc cơ thể
Hoa cúc có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh giải nhiệt độc, thanh tâm trừ phiền. Những trường hợp nhiệt độc tích trong cơ thể gây đau đầu, đau răng, đau mắt đỏ, hoa mắt, chóng mặt… sử dụng cúc hoa sắc uống vô cùng hiệu quả.
Cúc hoa là một trong những vị thuốc sử dụng nhiều nhất trong đông y để giải độc cơ thể, giải tỏa muộn phiền, làm cho tinh thần thoải mái.
Có rất nhiều cách sử dụng hoa cúc làm trà để tạo thành bài thuốc giải độc cho cơ thể, sau đây là một số cách sử dụng:
- Cách 1: Mỗi ngày lấy từ 3 - 5 bông hoa cúc khô, hãm với nước sôi, lấy nước uống hàng ngày như nước giải khát.
- Cách 2: Hay bị mụn nhọt, lở ngứa dùng cúc hoa và kim ngân hoa, mỗi thứ 10g, sắc lấy nước uống hàng ngày.
- Cách 3: Pha 3 bông cúc hoa khô, vài lá trà xanh vào khoảng 500ml nước đun sôi rồi uống, có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Lưu ý khi dùng trà hoa cúc: Hoa cúc có rất nhiều loại, tất cả đều có thể sử dụng làm thực phẩm, nhưng để làm trà hoa cúc thì nên chọn hoa cúc vàng và hoa cúc trắng là thông dụng nhất, mùi thơm dễ uống nhất.
Trà kim ngân hoa giúp giải độc cơ thể.
2.Trà kim ngân hoa
Theo Y học cổ truyền, kim ngân hoa có vị ngọt, tính hàn, quy vào kinh phế, vị, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trị nhọt độc, ngứa, dị ứng…
Theo các nghiên cứu, hoa kim ngân có tác dụng ức chế rất mạnh đối với tụ cầu khuẩn, vi khuẩn thương hàn….
Cách dùng trà kim ngân hoa:
- Cách 1: Hoa kim ngân rửa sạch, để ráo nước, cho vào bình. Rót nước vừa đun sôi vào ngâm 5 phút là có thể dùng được. Nếu thích uống ngọt, bạn có thể cho thêm đường phèn vào khuấy đều rồi uống.
- Cách 2: Kim ngân hoa 100g, bạc hà 10g, lá tre 10g. Sau khi rửa sạch tất cả, cho vào 2 lít nước đun sôi, hãm trong 10 - 15 phút là có thể dùng được. Cách dùng này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ phiền, đặc biệt những người toàn thân đang đau nhức mỏi, đau đầu uống vào rất hiệu quả.
Lưu ý khi dùng trà kim ngân hoa: Những người tỳ bị hư hàn hay đi ngoài phân lỏng nát, lạnh bụng thì không nên dùng. Vì tính của kim ngân hoa khá lạnh, nên trà chỉ dùng cho những người có nhiệt độc tích tụ.
Trà hoa nhài giúp tinh thần sảng khoái.
3. Trà hoa nhài
Hoa nhài có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu phù, hoạt huyết điều kinh, làm tan máu tụ, lợi niệu, hỗ trợ điều trị trong các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu, tiểu ra máu, khí hư ra nhiều, mụn nhọt, lở ngứa do nhiệt độc…
Uống trà hoa nhài hằng ngày, giúp tinh thần sảng khoái, đầu óc tỉnh táo và giải tỏa phiền muộn.
Cách sử dụng trà hoa nhài:
- Nguyên liệu: 1 thìa nhỏ hoa nhài khô, 1 thìa to trà hương, 1 thìa nhỏ mật ong.
- Cách dùng: Hoa nhài khô dùng nước đun sôi tráng sạch, để ráo nước. Cho hoa nhài và trà hương vào ấm trà, đổ khoảng 350ml nước nóng vào ngâm, 5 phút sau trà có mùi thơm là uống được. Người thích ngọt cho thêm mật ong vào, khuấy đều, uống lạnh sẽ ngon hơn.
Trà sen giúp giải độc cơ thể.
4. Trà sen
Theo Y học cổ truyền, mỗi bộ phận của cây sen có tác dụng và tính trị liệu khác nhau: Gương sen, lá sen, vỏ ngoài hạt sen đều có tính mát, trị tiêu chảy, cầm máu; Hạt sen là vị thuốc bổ tỳ, bổ thận; Nhụy sen hay còn gọi là liên tu có tác dụng cầm máu, cố tinh; Tâm sen hay còn gọi là liên tử tâm có tác dụng an thần, trị tăng huyết áp; Ngó sen có tác dụng thanh nhiệt, dùng sống giúp giải rượu vô cùng tốt.
Tất cả các bộ phận của cây sen đều có thể dùng làm trà, làm đồ ăn. Để giải độc cơ thể, thông thường chúng ta sử dụng lá sen và hoa sen làm trà uống hàng ngày.
Lá sen (còn gọi là hà diệp) có vị đắng, tính hàn, quy vào 3 kinh can, tỳ, vị. Có tác dụng thanh nhiệt, giải thử thấp, đào thải độc tố, giúp hạ huyết áp và giảm mỡ máu rất tốt.
Cách dùng trà lá sen:
- Lấy lá sen tươi hay phơi khô rửa sạch, cắt hoặc thái, xé nhỏ, mỗi ngày dùng khoảng 15g. Lá sen, cho nước sôi vào hãm khoảng 15 phút là có thể dùng được.
- Lưu ý: Những người huyết áp thấp không nên sử dụng hàng ngày. Thời điểm tốt nhất để dùng trà lá sen là buổi sáng và buổi trưa. Không sử dụng trà vào thời điểm trước khi đi ngủ để tránh ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Hoa sen có vị đắng, ngọt, tính ấm, quy vào kinh tâm, can, tỳ, thận giúp thanh nhiệt giải độc, an thần, bổ khí hoạt huyết.
Cách dùng trà hoa sen:
- Lấy 1 bông hoa sen khô, cho 2 bát nước đang sôi đổ vào, đợi hoa sen khô tách ra, ngửi thấy mùi thơm là dùng được.