75% cơ thể con người là nước. 85% mô não là nước. Vì vậy, không ngoa khi nói vui rằng con người được tạo nên từ nước.
Trước đây người ta quan tâm nhiều hơn đến tác dụng dinh dưỡng của thức ăn, nhưng hiện nay các nhà dinh dưỡng học đã phát hiện ra giá trị dinh dưỡng của nước thực sự không thua kém thức ăn.
Uống nước như thế nào là đủ?
Là một thành phần cấu tạo của tế bào cơ thể, nước lấp đầy toàn bộ tế bào mô để duy trì nồng độ bình thường của chất lỏng trong cơ thể. Đồng thời, quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, vận chuyển và sử dụng các chất dinh dưỡng cũng cần sự tham gia của nước.
Ấn bản mới nhất của cuốn Hướng dẫn Chế độ Ăn uống cho người dân Trung Quốc đã chỉ ra, một người trưởng thành khỏe mạnh trung bình và làm việc thể chất nhẹ nhàng nên uống 1,5 - 1,7 lít nước mỗi ngày, tương đương với 3 chai nước khoáng thông thường được bán hoặc 8 cốc giấy dùng một lần. Những người ra nhiều mồ hôi thì nên uống nhiều nước hơn.
Đừng bao giờ chờ đợi đến khi khát mới uống nước. Cảm giác khát là dấu hiệu cuối cùng của tình trạng thiếu nước. Có nghĩa là khi bạn cảm thấy khát, tức là bạn đã bị thiếu nước trong một khoảng thời gian.
Đặc biệt vào mùa hè, thời điểm tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận tăng cao, nếu không uống đủ nước, sỏi thận có thể gây đau đớn. Có nhiều loại sỏi thận khác nhau và chúng có nguyên nhân riêng, nhưng uống ít nước và lượng nước tiểu không đủ là những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Vì vậy, uống nhiều nước hơn và đi tiểu nhiều hơn sẽ rất hữu ích trong việc ngăn ngừa sỏi.
Ngoài ra, uống đủ nước trong mùa hè có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, điều hòa huyết áp, chống béo phì.
4 nhóm người không nên uống quá nhiều nước
Uống đủ nước là điều vô cùng quan trọng, tuy nhiên, 4 nhóm người sau đây không nên uống quá nhiều nước.
1. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng
Trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có thể không uống nước.
Tuy nhiên, khi trẻ bị bệnh dẫn đến bú rất ít sữa, hay ra mồ hôi quá nhiều, thường xuyên bị nôn trớ và tiêu chảy... bạn có thể đến bệnh viện để hỏi bác sĩ xem có cần thiết uống một ít nước không. Nhưng hãy cẩn thận, vì thận của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, không nên cho trẻ sơ sinh vài tháng tuổi uống quá nhiều nước trong một lần, hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ.
2. Sau khi hoạt động mạnh, cường độ cao
Sau khi làm việc nặng nhọc hoặc vận động gắng sức, lượng muối trong mồ hôi bị mất đi. Lúc này nếu uống một lượng lớn nước trong thời gian ngắn mà không được bổ sung muối kịp thời thì nồng độ các chất điện giải như ion natri trong máu giảm nhanh chóng, có thể gây nhiễm độc nước.
Chú ý bổ sung nước vào khoảng 2 tiếng trước khi lao động mạnh để tránh bị mất nước sau đó. Nếu sau khi vận động ra nhiều mồ hôi thì không nên uống nhiều nước ngay.
Bạn có thể súc miệng bằng nước, làm ẩm miệng và họng, sau đó uống 50 - 100 ml nước muối nhạt hoặc nước uống thể thao (có chứa điện giải, chẳng hạn như natri và kali, trong đó hàm lượng natri là 5 - 120 mg trên 100 ml), nghỉ khoảng 30 phút, sau đó tăng dần lượng nước uống. Lưu ý, không uống nước đá.
3. Sau khi dùng một số loại thuốc
Một số loại thuốc cần có thời gian ngấm nhất định để đạt hiệu quả chữa trị. Trong trường hợp đó, sau khi dùng thuốc, bạn không nên lập tức uống quá nhiều nước, khiến thuốc bị giảm tác dụng. Đơn cử, nếu bạn đang dùng thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, uống nhiều nước sau khi dùng thuốc sẽ làm loãng thuốc và giảm tác dụng điều trị.
4. Người bị rối loạn chức năng thận
Những người bị rối loạn chức năng thận, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng chứng thiểu niệu (lượng nước tiểu trong 24 giờ giảm), phù nề... nên kiểm soát lượng nước uống trong ngày. Lúc này, bạn nên tham khảo lượng nước tiểu của ngày hôm trước và tình trạng phù nề để xác định lượng nước mình uống vào ngày hôm sau. Nếu lượng nước tiểu ngày hôm trước tương đối ít, thì việc uống nước vào ngày hôm sau sẽ có một số hạn chế, bạn có thể làm theo lời khuyên của bác sĩ.
Tóm lại, không phải ai cũng thích hợp với công thức "tám cốc nước mỗi ngày". Mỗi người cần đánh giá dựa trên nhu cầu và hoạt động cá nhân rồi điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, The Healthy