Trên thực tế, mỗi loại thuốc lại có những lưu ý, hướng dẫn riêng khi uống. Tuy nhiên, vì tự ý dùng thuốc, thói quen, sự chủ quan hoặc nhiều lý do mà không ít người vẫn liên tục mắc sai lầm.
Uống thuốc sai cách thật ra nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Đầu tiên, bạn đang gây lãng phí, làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc. Nặng hơn, bạn có thể gặp phải nhiều khó chịu, ngộ độc, thậm chí mất mạng. Vì vậy, hãy sớm bỏ ngay hoặc tránh xa 4 sai lầm tai hại khi uống thuốc sau đây:
1. Tự ý uống thuốc theo cảm tính
Thay vì đi khám bác sĩ, rất nhiều người khi mắc các bệnh phổ biến sẽ tự đi mua thuốc và uống thuốc theo kinh nghiệm, lời truyền tai nhau. Cũng vì thế mà nhiều trường hợp ngộ độc, thậm chí tử vong đáng tiếc xảy ra.
Ảnh minh họa
Ví dụ như cảm lạnh, cảm cúm, cần hạ sốt là chạy ngay ra hiệu thuốc mua aspirin hay acetaminophen, ho là mua kháng sinh hay viên ngậm. Hễ thấy đau đầu, đau chân, đau lưng, đau gì cũng mua thuốc giảm đau paracetamol, bụng khó chịu là quy ra cần thuốc tiêu hóa berberin.
Đặc biệt, có những người đi khám bệnh còn nói:“không cần kiểm tra, bác sĩ cứ kê đơn thuốc cho tôi là được”. Hoặc có người đi mua thuốc, trình dược viên hỏi các triệu chứng lại xua tay bảo “không cần, cứ bán cho tôi đúng loại xyz là được”. Cái “được” ở đây là theo tiêu chuẩn nào, rồi được không thấy đâu chỉ thấy mất, nhiều khi còn mất mạng.
Bác sĩ Zhang Jichun tại Bệnh viện Xiehe (Vũ Hán, Trung Quốc) cho biết, báo cáo chỉ ra nước này mỗi năm có khoảng 200.000 người chết vì uống nhầm thuốc và rất nhiều trường hợp bị di chứng, thương tật ở các mức độ khác nhau. Ông nhấn mạnh rằng, người bình thường không đủ hiểu biết đúng đắn về thuốc, thậm chí nhiều hiểu lầm, tốt nhất không nên uống thuốc bừa bãi.
2. Tư thế uống thuốc sai
Dạng thuốc quyết định tới cách bạn uống nó, đặc biệt là tư thế uống. Để làm đúng cách, bác sĩ Zhang Jichun khuyên chúng ta nên làm theo khuyến cáo từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc.
Cụ thể, khi dùng thuốc theo đường uống, bạn nên chọn tư thế đứng thẳng. Nếu thuốc ở dạng bình xịt họng (như thuốc hen), cần ngồi thẳng lưng trên ghế. Nếu nhỏ thuốc vào mắt, nên nằm ngửa.
Ảnh minh họa
Loại thuốc uống (viên, gói bột, nhũ dịch, si rô..) được dùng phổ biến nhất và người bệnh có thể tự đưa thuốc vào cơ thể mà không cần sự trợ giúp của người khác. Khi dùng các loại thuốc uống, nếu bệnh nhân tự phục vụ được, tốt nhất nên uống với nước đun sôi để nguội ở tư thế đứng thẳng để dễ trôi, tránh đọng thuốc. Nếu không, ít nhất cũng hãy cố gắng giữ thẳng nửa trên thân người khi uống thuốc. Với trẻ em, không nên bắt các cháu nằm ngửa rồi bịt mũi bắt nuốt thuốc vì có thể bị sặc.
Đừng nhai hoặc nuốt chửng các loại thuốc ngậm nếu không muốn mắc các bệnh về răng miệng như viêm loét miệng, xung huyết niêm mạc…
Đặc biệt, nhiều người có xu hướng nằm xuống nghỉ ngơi ngay sau khi uống thuốc xong. Điều này có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bỏng thực quản, viêm loét thực quản, thậm chí là thủng thực quản và có thể tử vong. Thường gặp ở các loại thuốc có dạng con nhộng, viên nang tan, nhất là thuốc có tính ăn mòn cao, viên nang tetracycline, có tính axit…
Ngoài ra, nằm sau khi uống thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ sặc thuốc hoặc nước cùng với thuốc vào đường hô hấp. Gây tổn thương hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, thậm chí gây tắc nghẽn và ngạt thở.
3. Dùng sai loại nước để uống thuốc
Việc dùng loại thức uống nào để uống thuốc là vô cùng quan trọng vì nó quyết định hiệu quả của thuốc. Nếu kết hợp sai còn có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng.
Ví dụ như đối với đồ uống chứa caffeine, nước ngọt có ga và trà đều không phù hợp để uống thuốc. Thậm chí, các bác sĩ còn khuyên bạn nên tránh uống chúng sau khi uống thuốc khoảng 1 giờ. Bởi có thể gây rối loạn nhịp tim, nôn mửa, ngộ độc, kết tủa sỏi, giảm hấp thụ sắt… Hay trà giàu chất tanin làm giảm sự hấp thu hoặc mất tác dụng của thuốc, gây nhiều triệu chứng khó chịu.
Uống sữa chung với thuốc cũng là một sai lầm phổ biến.Lúc này, lượng canxi này sẽ cản trở sự hấp thu của một số loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Còn tăng kết tủa và tạo sỏi, gây khó chịu cho dạ dày, hệ tiêu hóa. Một số trường hợp sức khỏe yếu còn có thể bị ngộ độc nhẹ.
Còn với bia rượu, người đang dùng thuốc tốt nhất là nên tránh càng xa càng tốt. Ngoài việc ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, còn có thể làm tăng tác dụng phụ bất lợi. Đặc biệt nếu uống rượu cùng với thuốc ngủ sẽ phát huy tác dụng ức chế thần kinh trung ương, rất nguy hiểm, dùng chung với thuốc giảm đau cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan. rượu bia còn làm tăng độc tính của Paracetamol, Aspirin gây nên tình trạng suy thận, hại dạ dày.
Ngoài ra, sự kết hợp giữa nước ép trái cây với thuốc cũng là lựa chọn rất nguy hiểm. Nhất là với nước ép bưởi, không chỉ làm mất tác dụng thuốc mà còn dễ gây ngộ độc. Thay vào đó, hãy uống thuốc với nước lọc, tốt nhất là nước ấm dưới 45 độ C nhé!
4. Uống thuốc sai liều lượng hoặc trộn thuốc
Uống thuốc sai liều lượng bao gồm các hành vi sai lầm phổ biến như: uống quá nhiều thuốc, tự ý chia nhỏ thuốc, uống thuốc chưa hết đơn/chỉ định, dùng thuốc của người khác…
Không hiếm gặp những trường hợp cho rằng muốn khỏi bệnh nhanh hơn thì nên tăng liều lượng thuốc uống. Tuy nhiên, điều này rất phản khoa học và thậm chí còn phản tác dụng, đồng thời gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính nguy hiểm.
Tương tự, không phải tất cả các viên thuốc đều có thể chia nhỏ được Viên thuốc có thể chia nhỏ khi có vạch ngay trên mặt của viên thuốc. Việc chia nhỏ viên thuốc mà không có chỉ dẫn có thể dẫn đến việc người bệnh không nhận được đủ liều lượng nên không trị được bệnh hoặc quá liều gây ngộ độc... Chưa kể, 1 số loại thuốc có thể bị tác động xấu bởi môi trường, biến chất sau khi chia nhỏ. Hoặc có người còn tự ý trộn các loại thuốc, nhất là thuốc cảm, thuốc giảm đau mà không quan tâm tới thành phần và hậu quả.
Ảnh minh họa
Thêm một sai lầm trầm trọng về liều lượng thuốc được bác sĩ Zhang Jichun bật “cảnh báo đỏ” nữa là tự ý dừng thuốc, không uống hết đơn thuốc. Ông cho biết, rất nhiều người vì cho rằng uống nhiều thuốc gây hại hoặc vì tiết kiệm mà khi thấy bệnh bắt đầu thuyên giảm hay không còn triệu chứng rõ ràng nữa là sẽ bỏ thuốc, nhất là với thuốc kháng sinh.
Điều này có thể khiến vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hẳn và các triệu chứng của bệnh có thể quay trở lại, thậm chí có thể trầm trọng hơn. Chưa kể đến việc ngừng dùng thuốc kháng sinh sớm có thể là nguyên nhân khiến một số vi khuẩn phát triển tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Family Doctor, Aboluowang