Sỏi thận và các dấu hiệu nhận biết
Thận là cơ quan trọng yếu của cơ thể, có chức năng lọc máu, thải nước, muối và các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Sỏi thận hoặc sỏi tiết niệu là những chất cặn cứng hình thành từ khoáng chất và muối ở trong thận.
Thông thường, sỏi hình thành khi nước tiểu trở nên cô đặc, khiến các khoáng chất kết tinh lại với nhau. Tùy vào nồng độ của các chất trong nước tiểu như khoáng chất, axit oxalic, axit uric... mà chúng có thể kết tinh thành các hạt sỏi nhỏ hoặc các viên sỏi to.
Sỏi thận thường không gây ra triệu chứng cho đến khi chúng di chuyển ở bên trong thận hoặc tiến vào niệu quản. Nếu sỏi thận phát triển và kẹt trong niệu quản, nó có thể ngăn chặn dòng nước tiểu, khiến thận sưng lên và niệu quản bị co thắt. Lúc này, cơ thể có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Đau dữ dội, đau nhói ở bên hông và lưng, đau dưới xương sườn.
- Cơn đau lan xuống vùng bụng dưới và háng.
- Đau từng cơn, đau âm ỉ hoặc dữ dội.
- Đau hoặc thấy nóng rát khi đi tiểu.
- Nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi.
- Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường hoặc tiểu rắt.
- Buồn nôn và nôn mửa.
Các yếu tố nguy cơ gây ra sỏi thận bao gồm thừa cân, béo phì, mắc một số bệnh lý hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định. Ngoài ra, một số thói quen ăn uống kém lành mạnh cũng có thể khiến sỏi thận phát triển và gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
4 sai lầm trong ăn uống làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận
1. Uống ít nước
Uống quá ít nước có thể khiến cơ thể không sản xuất đủ lượng nước tiểu, từ đó gây cản trở quá trình đào thải các chất cặn bã trong cơ thể ra bên ngoài. Các chất cặn bã bao gồm cả khoáng chất sẽ lắng đọng và kết tinh lại với nhau, tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Nhìn chung sỏi ít có khả năng hình thành khi bạn uống đủ nước. Tổ chức Thận Quốc gia, Mỹ cho biết, một người nên uống 8-12 cốc nước mỗi ngày. Ngoài ra, mọi người cần bổ sung thêm nước khi tập luyện cường độ cao hoặc tiếp xúc với thời tiết nắng nóng và bị ra mồ hôi.
2. Uống quá nhiều đồ uống chứa đường
Các loại nước ngọt và đồ uống chứa đường có hàm lượng fructose cao, có thể chuyển hóa thành oxalate, tăng bài tiết axit uric và canxi trong cơ thể. Sự kết hợp của oxalate, axit uric và canxi ở mức độ cao có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, thường xuyên uống các loại nước ngọt và đồ uống chứa đường có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa, thừa cân, béo phì. Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến sỏi thận.
3. Ăn quá mặn
Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận vì nó làm tăng lượng canxi trong nước tiểu. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm tiêu thụ muối có thể làm giảm bài tiết canxi và giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
Việc cắt giảm muối trong chế độ ăn không chỉ giúp phòng ngừa sỏi thận mà còn giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người trưởng thành chỉ nên sử dụng dưới 5 gam muối/ngày để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, mọi người cũng nên hạn chế ăn quá nhiều những thực phẩm có hàm lượng muối cao như thực phẩm chế biến sẵn hoặc các loại nước xốt, gia vị,...
4. Ăn nhiều các thực phẩm chứa chất béo ‘xấu’ và protein động vật
Thường xuyên ăn các loại đồ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như đồ chiên rán, thịt mỡ có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, việc ăn quá nhiều protein động vật như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm... có thể làm tăng sản sinh axit uric trong cơ thể. Ăn một lượng lớn protein động vật cũng làm giảm citrate trong nước tiểu. Citrate lại giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận.
Mặc dù vậy chúng ta vẫn cần bổ sung protein để đảm bảo các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, mọi người nên giảm lượng protein động vật ăn vào và thay thế bằng các loại protein thực vật tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như các loại đậu, các loại hạt, yến mạch...
Sỏi thận có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Do đó, mọi người cần duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế các thói quen xấu trong ăn uống để giữ cho thận luôn khỏe mạnh.