Lối sống hiện đại tiềm ẩn rất nhiều thói quen ăn uống không lành mạnh mà rất nhiều người trẻ đang mắc phải. Nếu không nhận ra và điều chỉnh kịp thời, chúng sẽ dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng, làm tăng tình trạng thừa cân, béo phì, bệnh tiểu đường thậm chí là ung thư đe dọa đến sức khỏe và tính mạng.
Dinh dưỡng hợp lý giúp chúng ta sống khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật là điều mà ai cũng hiểu, nhưng thực hiện lại không dễ, đặc biệt là các bạn trẻ do thói quen ăn uống có hại sau đây.
Dưới đây, ThS.BS Nguyễn Phương Anh, Giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, sẽ chỉ ra các thói quen ăn uống không tốt mà bạn trẻ nên từ bỏ càng sớm càng tốt.
Nghiện thức uống ngọt
Nhằm phòng ngừa các bệnh có thể gây ra do tiêu thụ nhiều đường như béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường… Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo mỗi ngày nam giới không tiêu thụ quá 36g đường và nữ giới không quá 25g đường.
Một nghiên cứu thị trường cho thấy 3 loại đồ uống được giới trẻ yêu thích nhất hiện nay là thức uống đá xay (36%), trà sữa (23%) và cà phê sữa đá (21%). Điều đáng buồn là cả 3 loại này đều chứa rất nhiều đường. Cụ thể, chỉ với 1 ly size M trà sữa hay cà phê sữa đá đã chứa đến 36g đường, còn thức uống đá xay có thể đến trên 50g đường. Nhiều bạn trẻ nghiện thức uống ngọt này đến mức phải uống gần như mỗi ngày, thậm chí trên 1 ly/ngày. Do vậy, việc đầu tiên mà giới trẻ cần làm trong thực hành dinh dưỡng hợp lý là hạn chế thức uống ngọt, chỉ nên xem đây là thức uống thú vị trong những dịp trò chuyện cùng bạn bè, chứ không xem là thức uống cần tiêu thụ hàng ngày.
Mê ăn mặn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi ngày 1 người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối (khoảng 1 muỗng cà phê muối). Thực chất, lượng muối này chỉ đủ nêm nhạt trong chế biến món ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, các món ăn mà giới trẻ yêu thích ngày nay lại rất giàu muối như lượng muối được bỏ vào 1 bịch bánh tráng hay 1 phần trái cây lắc có thể lên đến 6-7g, thậm chí nhiều nơi con số này có thể lên đến 10g. Khi còn trẻ, các cơ quan còn hoạt động tốt, cơ thể dễ dàng loại bỏ lượng muối dư thừa ra ngoài. Do vậy, các bạn trẻ vẫn cảm thấy khỏe mạnh mặc dù ăn mặn nhưng nếu thói quen này kéo dài chắc chắn là yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp khi bước vào độ tuổi trung niên.
Ăn uống không cân bằng
Trong cơ thể, mỗi nhóm thực phẩm đều có vai trò riêng và không thể thay thế cho nhau như nhóm ngũ cốc chủ yếu cung cấp tinh bột, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hay nhóm thịt/cá lại cung cấp chất đam, nguyên liệu cho các quá trình xây dựng hay sửa chữa các cấu trúc của cơ thể. Tinh bột không thể thực hiện chức năng của chất đạm và ngược lại chất đạm không thể làm thay cho tinh bột. Do vậy, điều cơ bản trong thực hành dinh dưỡng hợp lý là ăn cân bằng các nhóm thực phẩm với 1 lượng được khuyến cáo.
Các chế độ ăn thiên lệch về 1 chất dinh dưỡng nào đó như low carb (chế độ ăn hạn chế tinh bột) cho đến nay chỉ mới nghiên cứu trong thời gian ngắn hạn và dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Do vậy, việc kéo dài chế độ ăn này thực chất không an toàn trong dài hạn, thậm chí trong ngắn hạn.
Thực tế, tại phòng khám dinh dưỡng nhiều bạn trẻ sau khi thực hiện chế độ ăn low carb, giàu protein khi xét nghiệm mới giật mình khi biết bị tăng acid uric.
Vừa ăn vừa xem ti vi, điện thoại
Ngày nay, các bạn trẻ có quá nhiều các phương tiện giải trí và các bạn thường sử dụng các thiết bị đó trong lúc ăn. Thói quen xấu này sẽ làm mất tập trung vào việc đang ăn và nhai dẫn đến nhai thức ăn không kỹ hay không kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể.
Như đã nói ở trên, không nhai kỹ thức ăn làm tăng gánh nặng lên hệ tiêu hóa có thể gây ra các bệnh đau dạ dày hoặc khó tiêu. Còn việc không kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể còn gây bệnh thừa cân, béo phì.