Đặc biệt là tại TP Hà Nội, không chỉ số lượng ca mắc tăng nhanh mà các ca trở nặng phải nhập viện, tử vong cũng nhiều hơn so với thời điểm trước và cùng kỳ năm ngoái.
Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) năm 2022 tại nước ta đã qua ngưỡng cảnh báo dịch. Tích lũy từ đầu năm tới nay, cả nước ghi nhận 247.202 trường hợp mắc, 100 ca tử vong do SXH. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tăng 4,7 lần, số ca tử vong tăng 80 trường hợp. So với tuần đầu tháng 10/2022, đã có thêm 100.000 ca mắc mới và 2 trường hợp tử vong.
SXH bùng phát, nhiều ca trở nặng
Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện tại bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân SXH, trong đó có khoảng 20 ca có diễn biến rất nặng, có những ca đã phải thở máy, truyền máu, đang trong giai đoạn hồi sức tích cực.
''Số lượng bệnh nhân đến thăm khám tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương do SXH tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể số lượng bệnh nhân nặng cần phải nhập viện mỗi ngày trung bình là khoảng 30 - 40 bệnh nhân, trong đó có những trường hợp diễn biến bệnh rất nhanh, bị sốc SXH, đe dọa đến tính mạng'', BS Hùng cho biết.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tính từ đầu năm tới nay, đã có khoảng 10 ca bệnh nhân SXH tử vong. Năm 2021, bệnh viện không ghi nhận trường hợp nào tử vong do SXH. Số lượng bệnh nhân nặng cần phải nằm ở Khoa Hồi sức tích cực và Khoa Cấp cứu tăng hơn nhiều so với mọi năm.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc thời điểm cuối tháng 11/2022, theo BS CKII Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa Nội, BVĐK Hồng Ngọc, 90% số bệnh nhân đến nhập viện tại Khoa Nội của bệnh viện là do mắc SXH. Mỗi ngày số bệnh nhân nằm chờ nhập viện là 20-30 bệnh nhân. ''Chưa có năm nào nhiều như năm nay, bệnh viện quá tải vì SXH, không có giường cho bệnh nhân nằm'', BS Mạnh nhận định.
BS CKII Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa Nội, BVĐK Hồng Ngọc
Trong đó, ca bệnh nặng nhất, có diễn biến bệnh thất thường được ghi nhận tại Khoa Nội, BVĐK Hồng Ngọc là trường hợp bệnh nhân 33 tuổi, nhập viện SXH bệnh ngày thứ 4 trong tình trạng sốt cao, buồn nôn, chướng bụng, vẻ mặt mệt mỏi, phản ứng chậm, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu giảm bất thường, cô đặc máu cao, tràn dịch ổ bụng và màng phổi. Bệnh nhân có tiên lượng nặng, nếu không theo dõi sát sao nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
Để điều trị cho trường hợp này, các bác sĩ đã truyền tiểu cầu, truyền theo phác đồ của Bộ Y tế và theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn. May mắn là sau khi theo dõi tích cực, các lâm sàng của bệnh nhân tạm thời ổn định. Các triệu chứng đã cải thiện, tiểu cầu đang hồi phục. Tràn dịch ổ bụng đã giảm, cũng có nghĩa là bệnh nhân đã an toàn.
Dấu hiệu nhận biết SXH trở nặng
Nói về những ca mắc SXH nặng, BS Hùng cho biết: Trong khoảng thời gian từ tháng 9-11/2022, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận rất nhiều bệnh nhân bị SXH nặng, trẻ, có những bệnh nhân chỉ 22-27 tuổi. Diễn biến bệnh ngày thứ 4, thứ 5 đã rất nặng, cũng đã có trường hợp bệnh nhân tử vong. ''Bệnh nhân tử vong do SXH năm nay không hoàn toàn xuất hiện trên bệnh nhân có bệnh lý nền hay cao tuổi, một số bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh lý nền nhưng cũng có trường hợp tử vong''.
Về dấu hiệu nhận biết SXH trở nặng, trước kia, thường bệnh diễn biến nặng từ ngày thứ 4 tới ngày thứ 8. ''Năm nay, chúng tôi ghi nhận SXH có dấu hiệu bất thường là tỷ lệ bệnh diễn biến nặng sớm hơn, thường đi vào sốc là ngày bệnh thứ 6, 7 nhưng năm nay, nhiều trường hợp bệnh nhân ngày thứ 3, 4 đã có hiện tượng đi vào sốc, diễn biến nặng'', BS Hùng nhận định.
(Ảnh minh họa: Sohu)
Do đó, người bệnh có triệu chứng sốt, đặc biệt là sốt đi kèm đau mỏi người, đau nhức 2 hốc mắt và những triệu chứng của SXH thì nên đi khám tại các cơ sở y tế để chẩn đoán là mình có bị SXH hay không. Nếu được chẩn đoán là SXH thì người bệnh cần lưu ý rằng bệnh sẽ thường có diễn biến nặng vào ngày bệnh thứ 3 với một số triệu chứng: nôn, nôn nhiều, đau tức vùng gan, xuất huyết (chảy máu chân răng, chảy máu tiêu hóa…). Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu rối loạn ý thức (lơ mơ).
Khi thăm khám tại các cơ sở y tế, những dấu hiệu để nhận biết bệnh SXH trở nặng là số lượng tiểu cầu giảm, độ cô đặc của máu tăng lên, chỉ số men gan tăng cao (thường trên 10 lần giá trị bình thường).
Làm gì để tránh SXH trở nặng?
Theo BS Hùng, đối với bệnh nhân chưa có chỉ định điều trị, chỉ có triệu chứng đơn thuần là sốt, tức thuộc SXH nhóm A (nhóm có thể điều trị tại nhà theo phân loại của Bộ Y tế). Những bệnh nhân này có thể được điều trị bằng thuốc hạ sốt, giảm đau, ngoài ra có thể bổ sung các loại vitamin (nhóm C, B) để tăng cường sức đề kháng. Cũng cần lưu ý người bệnh phải bù đủ nước và điện giải bởi khi sốt cao cơ thể sẽ mất nước, nếu không bù đủ nước sẽ dẫn đến tụt huyết áp, máu cô đặc và bệnh dễ trở nặng.
Người dân cần cố gắng không tạo cơ hội cho muỗi - nguồn lây nhiễm SXH, phát triển (Ảnh: Sohu)
Với những bệnh nhân sau khi đã khỏi SXH sau khi tự điều trị hoặc được điều trị ở thể nhẹ thì có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, chú ý bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tăng cường tập thể dục thể thao.
Để phòng ngừa bệnh SXH, BS Hùng nhắc nhở mọi người cố gắng không tạo cơ hội để cho muỗi phát triển bằng cách dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà, phun thuốc muỗi định kỳ, cố gắng ngủ mắc màn.