Cuộc sống hiện đại với nhiều nguy cơ bệnh tật, nhiều chủng vi khuẩn, virus mới, ô nhiễm môi trường, cảnh báo an toàn thực phẩm… khiến chúng ta được dạy việc giữ gìn vệ sinh là đức tính cần thiết từ khi còn nhỏ.
Điều này rất đáng khen, tuy nhiên có 1 số trường hợp đặc thù mà việc sạch sẽ chỉ nên dừng ở mức vừa phải. Hoặc những thói quen chúng ta cho rằng sạch sẽ, tốt cho sức khỏe thực chất lại chẳng hề có tác dụng gì hoặc mang lại hiệu quả tiêu cực.
Trong đó có 4 thói quen mà rất nhiều người trẻ vẫn đang làm hàng ngày sau đây:
1. Chà xát quá mạnh hoặc quá lâu khi tắm
Thói quen này phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới. Họ luôn dành nhiều thời gian để tắm rửa và chăm sóc bản thân, tuy nhiên việc chà xát quá mạnh hoặc quá lâu là không cần thiết.
Thứ được gọi là ghét khi tắm thực chất là chất bẩn từ khói bụi ngoài môi trường, da chết kết hợp với mồ hôi và vi khuẩn trên da. Dù bạn chỉ ở trong nhà cả ngày, chúng cũng có thể tạo ra ghét, chứ không phải do bạn “ở bẩn”.
Bạn chỉ cần chà xát vừa phải cùng sữa tắm hay xà bông trong vài phút là đã đủ để làm sạch da. Ngoài ra, bề mặt da luôn cần có 1 lớp biểu bì và dầu tự nhiên để bảo vệ, khi cọ xát quá mạnh hoặc tắm quá lâu sẽ khiến da bị tổn thương, khô, sạm, nhạy cảm, ngứa hoặc yếu và dễ bắt nắng hơn.
2. Tráng nước sôi trước khi dùng bát đũa
Không ít người lớn tuổi dạy con cháu của mình rằng tráng dụng cụ ăn uống với nước nóng trước khi dùng sẽ đảm bảo vệ sinh và tránh nguy cơ lây nhiễm 1 số bệnh. Xét về lý thuyết, việc này không sai nhưng để đạt được hiệu quả thật sự thì rất khó.
Muốn khử trùng với nước sôi, cần tuân thủ 2 yếu tố: 1 là nhiệt độ và 2 là thời gian. Đầu tiên, nước phải nóng ít nhất là 100 độ C, sau đó bạn phải giữ vật cần khử trùng trong nước đó ít nhất 5 phút mới có hiệu quả.
Một số thí nghiệm liên quan chỉ ra rằng nước chúng ta thường dùng tráng bát đũa chỉ đạt khoảng 80 độ C và thời gian thực hiện thì quá ngắn. Khi đó, không chỉ không thể đạt được hiệu quả khử trùng mà ngược lại tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
3. Thường xuyên lấy ráy tai
Nhiều người vẫn quan niệm ráy tai là chất bẩn, để lâu sẽ khiến thính lực bị suy giảm, vì vậy họ thường ngoáy tai hoặc dùng dụng cụ lấy ráy tai. Tuy nhiên, đây là thói quen không tốt, trái với tự nhiên và có thể gây hại cho thính giác, viêm nhiễm tai.
Trong y học, ráy tai được gọi là cerumen, có chức năng bảo vệ vì là một chất nhờn được tạo ra bởi phần lông bên ngoài của ống tai để ngăn chặn vi khuẩn, bụi bẩn hay côn trùng. Bản chất nhờn tự nhiên của ráy tai cũng giúp giữ ẩm, ngăn da ống tai bị khô và bong tróc, giảm nguy cơ tổn thương, nhiễm trùng, khô hay ngứa ống tai.
Nếu bạn cảm thấy ngứa ngáy thì chỉ nên dùng ngón tay cái hoặc khăn ẩm xoay quanh bên ngoài lỗ tai, mát xa gờ loa tai và nghiêng đầu sang một bên. Nếu bạn bị đau hoặc thính giác bị ảnh hưởng thì hãy đến gặp bác sĩ để lấy ráy tai thay vì tự làm.
4. Vệ sinh vùng kín quá sạch sẽ
Đây là 1 trong những hiểu lầm mà trên 90% các cô gái trẻ mắc phải. Việc chà xát vùng kín quá mạnh hay rửa vùng kín quá nhiều lần trong ngày không chỉ khiến vùng kín bị tổn thương, khiến da khô hoặc ngứa mà còn làm mất môi trường tự nhiên xung quanh vùng kín, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại tấn công, rất dễ viêm nhiễm.
Đặc biệt là việc thụt rửa âm đạo bằng vòi sen, dạng xịt hay dung dịch tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tổn thương, ảnh hưởng chức năng sinh sản, tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa. Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2016 cũng chỉ ra rằng những phụ nữ thường xuyên thụt rửa có liên quan đáng kể đến việc nhiễm virus HPV.
Ngoài ra, việc lau chùi vùng kín mạnh tay sau khi đi vệ sinh, sử dụng xà phòng hoặc nước muối hay lạm dụng các loại dung dịch vệ sinh âm đạo cũng tác động rất xấu đến sức khỏe sinh sản. Các chuyên gia khuyên rằng nếu không mắc bệnh phụ khoa hay đang dùng thuốc theo chỉ định, bạn chỉ cần vệ sinh vùng kín bằng nước ấm 1 cách nhẹ nhàng khoảng 1 - 2 lần mỗi ngày là đủ.
Nguồn và ảnh: Sohu, Woman.tvbs, Healthline