Bệnh nhân tiểu đường đang ngày càng trẻ hóa
Anh Vương hiện đang là sinh viên năm thứ nhất tại một trường Đại học ở Trung Quốc, từ khi còn nhỏ anh đã là một "fan" trung thành của đồ ăn vặt. Anh chàng thường thích ăn thịt nướng, đồ chiên, bánh ngọt, nước ngọt và không thích chơi thể thao lắm. Ở tuổi 19, Vương đã nặng 90kg. Vì không theo dõi nồng độ đường huyết thường xuyên nên anh Vương không biết chỉ số đường huyết của mình đã lên tới 13 milimol/ lít. Lúc này, anh Vương phải nhập viện để điều trị tiểu đường.
Bác sĩ Khương Chí Cường (Giám đốc khoa nội tiết 1, bệnh viện trung ương Trịnh Châu, trực thuộc Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc)) cho biết, mặc dù bản thân bệnh tiểu đường không gây tử vong ngay lập tức, nhưng bệnh tiểu đường không được phát hiện hoặc không được điều trị kịp thời sẽ làm người bệnh có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, mù lòa và phải cắt cụt chi dưới. Những căn bệnh này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và làm tăng chi phí khám chữa bệnh lên rất nhiều.
Đường huyết là một chỉ số rất quan trọng để đánh giá sức khỏe của chúng ta, nếu đường huyết nằm trong giới hạn bình thường thì chứng tỏ cơ thể tương đối khỏe mạnh. Trước đây, độ tuổi khởi phát chủ yếu của bệnh tiểu đường là những người trung niên ở độ tuổi 40 - 50, nhưng những năm gần đây những người ở độ tuổi 30, thậm chí 20 tuổi cũng đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Điều này liên quan đến một số thói quen sinh hoạt sai lầm của người trẻ, trong đó có 4 thói quen xấu của người trẻ đều là tác nhân gây ra bệnh tiểu đường.
4 thói quen khiến người trẻ dễ mắc tiểu đường
1. Thường xuyên thức khuya
Với nhịp sống ngày càng tăng tốc, ngày càng nhiều bạn trẻ có thói quen thức khuya, ai cũng biết rằng thức khuya rất có hại cho sức khỏe. Thức khuya trong thời gian dài sẽ dẫn đến thiếu ngủ, thúc đẩy rối loạn hệ thống trao đổi chất của cơ thể, làm tăng liên tục tình trạng kháng insulin, thúc đẩy sự biến động của lượng đường trong máu. Theo thời gian, người trẻ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy muốn lượng đường trong máu luôn ổn định thì trước hết bạn phải duy trì giấc ngủ đầy đủ.
2. Lười vận động, không thích thể thao
Công việc và học tập bận rộn, thường xuyên ngồi một chỗ khiến nhiều bạn trẻ trở nên lười vận động, thậm chí không thích vận động ngay cả khi có thời gian rảnh rỗi, lâu dần dễ dẫn đến béo phì. Béo phì là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh tiểu đường, người béo phì sẽ tích tụ nhiều mỡ trong cơ thể của họ. Chất béo thúc đẩy kháng insulin và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
3. Ăn vặt quá nhiều
Nhiều bạn trẻ đã hình thành thói quen ăn quá no dẫn đến cơ thể nạp vào cơ thể một lượng lớn calo trong thời gian ngắn, điều này thúc đẩy khả năng béo phì ngày càng cao, đồng thời làm tăng tỷ lệ mắc nhiều bệnh mãn tính khác nhau, bệnh tiểu đường là một trong số đó. Các cuộc điều tra và nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bệnh nhân tiểu đường do béo phì cũng có thể cải thiện lượng đường trong máu trong thời gian ngắn sau khi cân nặng của họ giảm xuống mức bình thường.
4. Hút thuốc và uống rượu
Nicotin và các chất khác trong thuốc lá có thể gây kích thích mạch máu không mong muốn, từ đó khiến chức năng tuyến tụy bị ảnh hưởng do máu không được cung cấp đủ làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường. Rượu bia vốn có hàm lượng calo cao, sau khi vào cơ thể dễ gây tăng cân, tích tụ chất độc và sinh ra béo phì, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường. Nhiều người trẻ tuổi có thói quen hút thuốc và uống rượu, thậm chí một số thanh niên còn có thói quen hút thuốc và uống rượu bia quá mức. Theo thời gian, nguy cơ người trẻ mắc bệnh tiểu đường ngày càng cao.
Lời khuyên: Để ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh tiểu đường, người trẻ phải từ bỏ những thói quen xấu. Đầu tiên là tránh thức khuya, đi ngủ trước 11 giờ hàng ngày, tập thể dục thường xuyên và đồng thời phải ăn uống điều độ, bỏ thuốc lá, bia rượu.
Nguồn: Sina, Sohu, IDF Diabetes Atlas; Ảnh: Pinterest