Theo bác sĩ Xie Yijun tại Phòng khám Y tế Công cộng Đài Bắc (Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc), động lực giảm cân của đa số mọi người thường là ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ ngoại hình. Trong khi sức khỏe mới là vấn đề nghiêm trọng hơn. Cụ thể, thừa cân, béo phì đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra/làm tăng nguy cơ dẫn tới các vấn đề sức khỏe như:
- Tử vong do mọi nguyên nhân
- Bệnh tim mạch vành, mạch máu não.
- Rối loạn mỡ máu.
- Cao huyết áp.
- Bệnh tiểu đường type 2.
- Đột quỵ.
- Bệnh túi mật.
- Viêm xương khớp.
- Đau đầu, đau nhức cơ thể, khó khăn trong hoạt động thể chất.
- Ngưng thở khi ngủ và các vấn đề về hô hấp khác.
- Tăng nguy cơ hiếm muộn, sinh non.
- Nguy cơ ung thư, trầm cảm, lo lắng hay các rối loạn tâm thần khác.
Vì vậy, bác sĩ Xie nhấn mạnh rằng, ngay cả khi bạn không hề quan tâm tới ngoại hình thì vẫn cần giảm cân ngay nếu thấy 5 dấu hiệu dưới đây - trước khi bệnh tật ùn ùn kéo tới:
1. Chỉ số khối cơ thể (BMI) chỉ ra thừa cân
Theo phân loại của Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO), chỉ số BMI của người châu Á từ 18.50 - 22.9 kg/m2 là cân nặng bình thường. BMI dưới 18.5 là nhẹ cân, từ 23 - 24.9 là thừa cân và từ 25 trở lên là béo phì. Còn chỉ số BMI theo phân loại quốc tế (WHO) thì dưới 18.5 là nhẹ cân, 18.5 - 24.9 là bình thường, 25 - 29.9 là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.
Nếu BMI ở mức thừa cân, bạn nên giảm cân ngay cả khi chưa nhận ra sự thay đổi ngoại hình rõ rệt (Ảnh minh họa)
Lưu ý là chỉ số này áp dụng với người trên 18 tuổi và có sai lệch với vận động viên, người tập thể hình… phụ nữ mang thai, người cao tuổi. Bác sĩ Xie nói rằng, những nhóm người này cần có sự tư vấn cụ thể từ bác sĩ. Tuy nhiên, tùy theo khu vực sinh sống mà mỗi người nên thường xuyên tự đo BMI và đánh giá, không được để tới mức độ thừa cân - ngay cả khi cơ thể chưa béo lên một cách dễ thấy.
2. Cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi trong hoạt động hàng ngày
Theo bác sĩ Xie, không phải ai cũng thường xuyên đo chỉ số khối cơ thể hay cân nặng của mình để phát hiện ra mình thừa cân hay béo phì. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cân nặng chưa tăng quá mức, ngoại hình không thay đổi nhiều nhưng đã có những tác động tiêu cực tới sức khỏe. Phổ biến như cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi trong nhiều hoạt động hàng ngày mà trước đây bạn vẫn làm một cách dễ dàng.
Bà nói: “Nếu bạn cảm thấy hụt hơi khi đi bộ đường dài, lên cầu thang hoặc gặp khó khăn khi thực hiện các việc làm hàng ngày, đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp vấn đề. Trọng lượng dư thừa có thể là một trong những nguyên nhân. Bạn nên đi kiểm tra sức khỏe và điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện trước khi bệnh tật xuất hiện”.
3. Ngủ ngáy bất thường
Bác sĩ Xie cho biết, ngủ ngáy có tên gọi bệnh lý là "ngưng thở khi ngủ". Người gặp tình trạng này có hơi thở bị gián đoạn trong lúc ngủ. Một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất của ngưng thở khi ngủ là thừa cân. Những người tăng cân đột ngột và nhanh chóng cũng rất dễ gặp tình trạng này dù trước đây không như vậy.
Tăng cân có thể gây ra nhiều bất thường liên quan tới hô hấp và giấc ngủ, bao gồm cả ngủ ngáy (Ảnh minh họa)
Ngưng thở khi ngủ khiến giấc ngủ không sâu, làm bạn mệt mỏi, uể oải khi thức dậy, gây rối loạn trao đổi chất, làm tăng cân và tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp. Nếu bạn thường ngủ ngáy, hãy cân nhắc đến việc giảm cân một cách lành mạnh ngay cả khi cơ thể chưa “phát tướng”.
4. Đau xương khớp, trào ngược dạ dày thực quản
Khi thừa cân, cơ thể bạn trở nên nặng nề hơn và các khớp, cột sống phải gánh áp lực lớn hơn. Trọng lượng dư thừa có thể dẫn đến đau đầu gối, lương dưới hoặc một vài vị trí khác trên cơ thể ngay cả khi bạn chưa nhận thức được cơ thể mình béo lên quá nhiều thông qua ngoại hình.
Vì vậy, bác sĩ Xie nhắc nhở: “Nếu nhận thấy có cơn đau mới khởi phát không phải do chấn thương hay vận động sai tư thế, bạn cần gặp chuyên gia sức khỏe để kiểm tra. Lúc này, vấn đề rất có thể nằm ở việc thừa cân, cần giảm cân trước khi xương khớp và nhiều bộ phận khác trong cơ thể rơi vào trạng thái tồi tệ hơn”.
Bên cạnh đó, việc tăng cân cũng gây ra các rối loạn liên quan tới hệ tiêu hóa mà trào ngược dạ dày thực quản là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất. Bởi cân nặng tăng sẽ gây áp lực lên dạ dày và cơ thắt thực quản dưới khiến trương lực của nó yếu đi khiến acid dạ dày và các chất dễ trào ngược hơn.
5. Một số chỉ số sức khỏe tăng nhanh
Như đã nói, việc không kiểm soát cân nặng gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe. Sớm nhất chính là các chỉ số về huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu tăng, thậm chí có dấu hiệu tăng nhanh do bạn béo lên nhanh.
Những người thừa cân, béo phì thường có huyết áp cao và nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn. Thông thường, ở người lớn nếu huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì được coi là huyết áp bình thường. Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương dưới mức 90 mmHg thì sẽ được chẩn đoán cao huyết áp và giảm cân (không phải trong mọi trường hợp) là giải pháp hữu hiệu để kiểm soát chúng.
Bác sĩ Xie Yijun (bên trái ảnh) nhắc nhở rằng khám sức khỏe định kỳ có thể chỉ ra thời điểm bạn cần giảm cân bằng cách xem xét nhiều chỉ số
Tương tự, bác sĩ Xie nhắc nhở: “Nếu trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ gần nhất, các chỉ số cholesterol và đường huyết của bạn cao hơn bình thường, bạn cần nghiêm túc cân nhắc đến việc giảm cân. Tiểu đường và cholesterol cao là những bệnh lý mạn tính nghiêm trọng, có thể gây tổn thương thận, dây thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh về máu, mạch máu, tim mạch và cả hai tình trạng sức khỏe trên đều có thể cải thiện một phần bằng cách giảm cân”.
Nguồn và ảnh: Good Morning Health, Top Beauty