Cứu kịp người đàn ông "ho ra máu sét đánh"

Người đàn ông ho ra máu ồ ạt không cầm được (hay còn gọi là ho ra máu sét đánh) vừa được các bác sĩ xử trí cứu sống kịp thời.
Cứu kịp người đàn ông ho ra máu sét đánh - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau cầm máu cứu sống kịp thời

Sáng 12-1, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TP HCM) cho hay vừa cứu sống ông T.V.T (71 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) bị ho ra máu dữ dội.

Ông T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ, ho ra máu lượng nhiều (khoảng 300ml), mạch nhanh, oxy máu giảm (SpO2) còn 88%. Ngay lập tức, các bác sĩ xử trí cấp cứu, khẩn lên phương án điều trị.

Bệnh nhân được điều trị nội khoa, truyền dịch, chích thuốc, dự trù máu... , sau đó được can thiệp cầm máu cấp cứu bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản dưới sự hỗ trợ từ máy chụp mạch số xóa nền (DSA).

Sau khi can thiệp cầm máu, bệnh nhân được chuyển về Khoa Nội Tổng hợp - Đơn vị Hô hấp theo dõi và điều trị tiếp. Hiện tình trạng ho ra máu được kiểm soát, sức khỏe bệnh nhân phục hồi và được xuất viện.

BS chuyên khoa I Đặng Đức Khiêm, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp - Đơn vị Hô hấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, cho biết ho ra máu lượng nhiều nếu không được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời dẫn đến máu tràn ngập trong đường thở, gây ngạt thở, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, có thể dẫn đến tử vong với tỉ lệ trên 90%.

Theo bác sĩ Khiêm, tình trạng ho ra máu dạng này diễn tiến nhanh như sét đánh, máu ộc ra ồ ạt không cầm được. Máu chảy và đông thành cục gây bít tắc đường thở, suy hô hấp cấp trong thời gian ngắn, trụy tim mạch và bệnh nhân hầu như tử vong.

"Ho ra máu thường gặp ở bệnh nhân bị các vấn đề về phổi như: lao phổi, giãn phế quản, bất thường mạch máu phổi... Đặc biệt, với các bệnh nhân ho ra máu, nhất là ho ra máu do di chứng lao phổi, giãn phế quản, u phổi... bất kể máu lượng ít hay nhiều cũng phải cần đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện để được kịp thời xử trí, tránh nguy hiểm đến tính mạng" - bác sĩ Khiêm khuyến cáo.