Con 13 tuổi đã mắc ung thư gan giai đoạn cuối, người mẹ ân hận vì không làm việc này sớm hơn

Mới 13 tuổi, trong một lần cùng mẹ và anh trai đi kiểm tra sức khoẻ, cậu bé đã phát hiện ra khối u lớn ở gan.

Đó là câu chuyện về trường hợp bệnh nhân 13 tuổi không may phát hiện ung thư gan khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam cho hay, bệnh nhân này có mẹ và anh trai bị viêm gan virus. Mẹ và anh trai bệnh nhân được PGS Ngọc theo dõi và khám định kỳ.

Dù biết con trai thứ 2 của mình (bệnh nhân 13 tuổi) cũng nhiễm virus viêm gan nhưng người mẹ nghĩ con còn nhỏ, không uống rượu bia, hơn nữa sinh hoạt điều độ, khỏe mạnh nên không đưa con đi khám. Cho tới một lần đi khám định kỳ, người mẹ mới đưa cả bệnh nhân đi cùng. Sau khi siêu âm, bác sĩ phát hiện gan của cậu bé có một khối u lớn.

Do bệnh nhân còn quá trẻ tuổi nên PGS Ngọc đã chỉ định khám thật kỹ lưỡng và chụp cắt lớp vi tính. Kết quả hội chẩn cho thấy bệnh nhân mắc ung thư gan giai đoạn cuối.

Khi biết kết quả, mẹ bệnh nhân đã rất "sốc" và ân hận. Cô khóc và nói với bác sĩ: "Giá như em cho con đi khám sớm hơn".

Con 13 tuổi đã mắc ung thư gan giai đoạn cuối, người mẹ ân hận vì không làm việc này sớm hơn - Ảnh 1.

Mối liên hệ giữa virus viêm gan và ung thư gan

PGS Ngọc cho hay viêm gan virus có diễn biến âm thầm. Trên thực tế, rất nhiều người đi khám sức khỏe phát hiện bị xơ gan, ung thư gan mới biết mình nhiễm virus viêm gan B. Do lá gan nằm trong ổ bụng nên các triệu chứng thường rất nghèo nàn, không có triệu chứng đau. Khi viêm gan diễn tiến tới xơ gan, bệnh nhân mới có các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu vàng.

Thông thường, quá trình tiến tới xơ gan của trường hợp nhiễm viêm gan virus là sau 15-20 năm (nếu không được điều trị). Đặc biệt với những người nhiễm viêm gan virus có thêm các yếu tố nguy cơ như lạm dụng rượu bia sẽ thúc đẩy quá trình xơ gan đến sớm hơn.

Theo PGS Ngọc, so với 35 năm về trước, tỷ lệ viêm gan B của Việt Nam đã giảm xuống rất nhiều. Trước kia, tỷ lệ viêm gan B khoảng 15%, hiện nay, đã giảm xuống còn 9-10% trên tổng dân số. Còn với viêm gan C, hiện nay có khoảng 1-1,5% dân số mắc bệnh. Rất may mắn, viêm gan C đã có thuốc điều trị hiệu quả, hết hẳn virus.

Theo chuyên gia, việc giảm được tỷ lệ viêm gan virus trong dân số là nhờ vào chương trình tiêm chủng sau sinh cho trẻ sơ sinh, từ đó giảm được nguy cơ lây nhiễm viêm gan virus từ mẹ sang con.

Các giai đoạn viêm gan virus tiến triển thành xơ gan và ung thư gan

- Giai đoạn viêm gan cấp tính: Bệnh diễn biến trong 2 tháng đầu. Sau 6 tháng, tình trạng viêm gan vẫn còn sẽ chuyển sang viêm gan mạn tính.

- Giai đoạn viêm gan mạn tính: Diễn biến từ 10-20 năm, thậm chí 30 năm tùy thuộc vào bệnh nhân có đồng nhiễm virus khác không. Nếu nhiễm các virus khác, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn xơ gan (giai đoạn sau) nhanh hơn.

- Giai đoạn xơ gan: Giai đoạn viêm gan mạn tính nếu không được phát hiện, điều trị và theo dõi sẽ diễn biến xơ gan thể hiện ở 2 giai đoạn là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù.

- Giai đoạn ung thư gan: Bệnh nhân xơ gan mất bù có thể diễn biến thành ung thư gan.

Chuyên gia lưu ý, đối với người nhiễm viêm gan virus B cần phải theo dõi suốt đời. Bệnh nhân cần phải đi khám định kỳ, tầm soát các yếu tố nguy cơ của ung thư gan.

Vì viêm gan virus có thể diễn biến thành xơ gan và ung thư gan nên tiêm phòng vắc xin ngừa viêm gan virus cũng là cách phòng ngừa ung thư gan. Trong một gia đình, nếu có một trường hợp nhiễm viêm gan B thì tất cả mọi người cần phải đi kiểm tra, nếu ai chưa mắc phải tiêm phòng vắc xin.

Đối với người nhiễm viêm gan virus C thì cần điều trị sớm để tránh làm tổn thương tới gan. Viêm gan virus C có thể điều trị khỏi được.