Một người đàn ông họ Trần (Trung Quốc) mới đây nhập viện vì thói quen ăn quá nhiều thịt đỏ. Người bạn của ông Trần là cô Vương chia sẻ rằng, ông Trần rất thích ăn thịt bò, ngày nào cũng phải ăn loại thịt này. Dù đã được bạn bè cảnh báo nên hạn chế nhưng người đàn ông này cho rằng bản thân ăn suốt nhiều năm, hiện sức khỏe rất tốt.
Một ngày nọ, ông đột nhiên cảm thấy đau bụng dữ dội. Cơn đau khiến ông ngất đi và được gia đình đưa vào viện. Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện người đàn ông này bị sỏi thận và cần được điều trị ngay lập tức. Bác sĩ nói: "Tôi đã xem hồ sơ ăn uống của anh, anh ăn quá nhiều thịt đỏ. Những thực phẩm này chính là yếu tố tăng cường sỏi". Lúc này, ông Trần mới nghĩ đến những lời cảnh báo của bạn bè và hối hận vì bản thân đã ăn uống không cân bằng.
Ăn quá nhiều đạm động vật, chẳng hạn như thịt đỏ, thịt gia cầm, trứng và hải sản, làm tăng nồng độ axit uric và có thể dẫn đến sỏi thận. Chế độ ăn giàu protein cũng làm giảm nồng độ citrate trong nước tiểu, chất hóa học trong nước tiểu giúp ngăn ngừa hình thành sỏi.
Sỏi thận là sự lắng đọng những chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu, vì một lý do nào đó đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi trong thận. Tùy thời gian, vị trí và độ lắng đọng mà kích thước sỏi lớn nhỏ khác nhau.
Sỏi thận khi không được điều trị hiệu quả sẽ gây ra đau đớn khi đi tiểu, tiểu ra máu, tiểu dắt, tiểu són, đau lưng, nhiễm trùng đường tiết niệu... Để ngăn ngừa, theo các chuyên gia tốt nhất nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý và cần tránh xa những sai lầm dưới đây khi ăn uống.
Bác sĩ cảnh báo 5 loại thực phẩm có thể gây sỏi thận nếu ăn quá nhiều
Tiến sĩ Peng Liyu (Bác sĩ điều trị, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Chu Châu, Trung Quốc) chia sẻ về những thực phẩm kích thích tạo sỏi thận.
1. Rau chân vịt (bina)
Rau bina là một loại rau giàu dinh dưỡng nhưng cũng cung cấp lượng axit oxalic lớn. Nếu chúng ta tiêu thụ quá nhiều sẽ tạo thành canxi oxalat với các ion canxi, cuối cùng dẫn đến sỏi.
Cách ăn đúng: Mặc dù rau bina có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi trong người nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tránh hoàn toàn. Trước khi chế biến nên chần rau bằng nước sôi. Người bệnh gút, bệnh thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn. Người vừa phẫu thuật cũng nên tránh sử dụng loại rau này.
2. Các thực phẩm giàu canxi
Canxi dù rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là cho xương khớp. Tuy nhiên, thừa canxi sẽ gây quá tải cho thận, làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận.
Ngoài thực phẩm, uống bổ sung canxi trong bữa ăn cũng có thể giúp làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Dù vậy, người bình thường không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi vì như thế sẽ gây ra mất cân bằng trong việc hấp thu canxi, gây ra loãng xương.
Cách ăn đúng: Ăn uống điều độ các thực phẩm chứa canxi hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ.
3. Thực phẩm giàu natri
Natri làm tăng lượng canxi trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Cách ăn đúng: Giảm tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn, đồ muối chua... tăng cường uống nước để tránh sỏi thận.
4. Đường và tinh bột tinh chế
Những thực phẩm này đã mất đi các chất xơ cần thiết nên sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Nếu sử dụng quá nhiều thì nguy cơ mắc bệnh sỏi thận, tiểu đường lại càng tăng mạnh hơn.
Cách ăn đúng: Giảm ăn các món nhiều đường, thay vào đó tăng cường các loại trái cây, rau củ có vị ngọt tự nhiên.
5. Thực phẩm chiên rán
Ăn quá nhiều đồ chiên rán cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sỏi thận. Những loại thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo bão hòa, làm tăng cholesterol xấu trong máu, dễ gây ra sỏi.
Các ăn đúng: Để hạn chế ăn hoặc kiêng ăn thực phẩm hàm chứa cholesterol thì nên hạn chế những món như: thịt mỡ, nội tạng động vật, trứng cá, gạch cua, lòng đỏ trứng... Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều rau quả tươi và một số thực phẩm có tác dụng giảm thấp cholesterol như: tỏi, hành tây, nấm hương, mộc nhĩ đen...
Nên ăn gì để phòng tránh sỏi thận?
- Chất đạm: Ưu tiên ăn các chất đạm và protein có nguồn gốc từ thực vật như đậu, giá đỗ hoặc cá thay vì sử dụng protein có trong thịt, trứng, sữa…
- Chất xơ: Nên ăn từ 7 - 10 phần rau và trái cây mỗi ngày để phòng chứng táo bón, tiêu chảy và làm chậm hấp thu chất béo sau khi ăn.
- Chất béo tốt: Chất béo tốt với lượng vừa phải sẽ giúp duy trì sức khỏe thận thường có trong dầu hướng dương, dầu ô liu, dầu hạt cải, quả bơ, hạt điều, hồ đào…