Tuy nhiên, không phải cứ đánh răng đầy đủ ít nhất 2 lần mỗi ngày là bạn có thể tránh được mọi nguy cơ mắc bệnh về răng miệng. Bởi vì thực tế có rất nhiều người vẫn đang mắc sai lầm trong chính quá trình đánh răng, trong đó phổ biến nhất là:
1. Đánh răng quá nhanh hoặc quá lâu
Mỗi người lại có 1 thói quen đánh răng khác nhau, nhưng hầu hết đều gặp phải vấn đề về thời gian đánh răng quá nhanh hoặc quá lâu.
Thực chất, đánh răng quá lâu có thể phản tác dụng, bào mòn men răng, gây tổn thương nướu và khoang miệng. Ngược lại, đánh răng quá nhanh sẽ không đủ thời gian để làm sạch răng, kem đánh răng chưa phát huy tác dụng, gây ra các bệnh về răng miệng.
Theo Phó giáo sư lâm sàng Eugene Antenucci tại Đại học Nha khoa New York (Mỹ), 2 phút là khoảng thời gian hợp lý nhất để đánh răng dù dùng bàn chải thường hay bàn chải điện. Còn nếu bạn đang chỉnh nha hoặc điều trị nha khoa, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều chỉnh cho phù hợp.
2. Chải răng sai cách
Rất nhiều người thường chải răng theo chiều ngang trong khi kỹ thuật đúng phải là chiều dọc, liên tục di chuyển lên xuống 2 hàm răng để tạo ra các vòng tròn. Điều này không chỉ khiến răng không được làm sạch, đặc biệt là các kẽ răng mà còn làm tổn thương nướu, nhanh hỏng bàn chải.
Hãy đặt phần tay cầm của bàn chải sao cho phần lông tạo ra một góc 30 - 45 độ khi chúng chạm vào mô nướu, sau đó xoay cổ tay theo chuyển động tròn. Hãy nhớ chải kỹ cả mặt sau của răng, khi đánh mặt sau của răng cửa hãy dựng bàn chải theo chiều dọc để chạm tới toàn bộ mặt răng tốt hơn.
Bên cạnh đó, chải răng quá mạnh cũng là sai lầm phổ biến khi đánh răng, nhất là đối với những người trẻ tuổi. Nếu sử dụng quá nhiều sức lực và cơ bắp khi đánh răng, ngay cả với một bàn chải mềm, bạn cũng sẽ bị tụt lợi, lộ chân răng và mòn men răng.
3. Sử dụng kem đánh răng sai cách
Cho quá nhiều kem đánh răng, chọn kem đánh răng có nồng độ fluor quá cao là 2 sai lầm nhiều người mắc phải.
Dùng quá nhiều kem đánh răng trong 1 lần đánh không hề tăng hiệu quả làm sạch như bạn nghĩ. Ngược lại, nó tạo ra nguy cơ các hợp chất kẽm trong kem sẽ tấn công hệ thần kinh, khó làm sạch hoàn toàn sau khi đánh răng. Vì vậy, các bác sĩ nha khoa khuyến cáo nên dùng khoảng 2 hạt đậu kem đánh răng cho mỗi lần là đủ.
Đồng thời, cũng không ít người hiểu lầm rằng nồng độ flour càng cao thì càng nhanh sạch. Đúng là chất này tạo thành fluoroapatit, khiến răng chắc hơn và ít bị ăn mòn bởi axit, từ đó tránh bị sâu răng, nhưng nếu hàm lượng fluor trong kem đánh răng quá cao có thể khiến răng bị nhiễm fluor và chuyển sang màu nâu. Đặc biệt, trẻ em nuốt phải các loại kem đánh răng này sẽ bị ngộ độc.
Ngoài ra, việc nhúng ướt kem đánh răng hay đánh răng với nước lạnh cũng đều không tốt chút nào. Thói quen này làm giảm tác dụng của kem đánh răng đi rất nhiều. Thêm nữa, nước lạnh dễ làm tổn hại đến ngà răng, khiến răng nhạy cảm hơn.
4. Không súc miệng, chải lưỡi
Lưỡi là khu vực tiềm ẩn vô số vi khuẩn có hại. Bã thực phẩm hoặc mảng bám dễ dàng mắc lại trong các khe giữa các gai nhú trên bề mặt của lưỡi. Đó chính là lý do tại sao bạn cần phải cạo lưỡi hàng ngày.
Bạn cũng sẽ không thể làm sạch hoàn toàn khoang miệng và các kẽ răng nếu bạn không súc miệng. Các nha sĩ khuyên dùng nước súc miệng không chứa cồn với hydrogen peroxide, hoặc ít nhất là súc miệng kỹ với nước lọc sau khi đánh răng để đảm bảo tống toàn bộ chất bẩn, mảng bám, kem đánh răng ra khỏi miệng.
5. Không thay bàn chải thường xuyên
Các bác sĩ nha khoa khuyên chúng ta nên thay bàn chải mới mỗi 3 hoặc 4 tháng dù không có vấn đề gì, vẫn còn sử dụng được. Bởi vì các nghiên cứu chỉ ra rằng vào thời điểm đó, mỗi bàn chải trung bình chứa hơn 10 triệu vi khuẩn.
Thời gian thay mới sẽ ngắn hơn nếu như bàn chải của bạn có dấu hiệu bị biến dạng, lông chải bị xơ, rụng hay bàn chải bị nấm mốc, nhiễm khuẩn. Đặc biệt, nếu bạn vừa trải qua các trận đau ốm do vi khuẩn, virus thì càng nên thay thế bàn chải để tránh bị tái nhiễm hoặc gây nguy hiểm cho người trong gia đình.
Nguồn và ảnh: Sohu, Healthline, Style.udn