Gắp thức ăn cho nhau, dùng đũa riêng gắp đồ ăn chung
Người Việt vốn thể hiện sự quan tâm, trọng thị trên bữa ăn thường bằng cách gắp thức ăn cho người khác. Có người dùng đũa của mình để gắp, có người dùng đũa của chính người kia để gắp. Ngoài ra, trong bữa ăn hàng ngày, người Việt thường gắp thức ăn từ đĩa chung bằng đũa của mình.
Dùng đũa riêng gắp thức ăn chung rất dễ lây lan khuẩn HP
Chính hành động này tiềm ẩn nguy cơ lớn bởi nhiều loại bệnh có thể lây lan qua đường nước bọt, trong đó, có thể lây khuẩn HP - là tác nhân chính gây bệnh viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày.
Ăn quá nhiều muối
Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày, tuy nhiên hiện nay mỗi người Việt trưởng thành lại ăn gấp đôi lượng khuyến cáo. Thói quen ăn mặn có nhiều trong mỗi gia đình Việt, đáng buồn là không phải ai cũng biết mình đang ăn mặn.
TS. Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng, lưu ý là muối có trong muối ăn và các gia vị chứa muối như bột canh, hạt nêm, nước mắm, xì dầu, mắm tôm, mắm tép …, trong các thực phẩm chế biến sẵn và cả trong thực phẩm tự nhiên (như hải sản).
Ăn nhiều muối là thói quen nhiều người Việt "dính".
Vậy nhưng nhiều người Việt, gia đình Việt dù đã xào rau (có muối/bột nêm/mì chính/dầu hào...), hoặc hải sản vốn mặn vẫn chấm thêm mắm như một thói quen khó bỏ.
Ăn quá nhiều muối có thể dẫn tới các bệnh như tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh tim, gây áp lực lên gan, sỏi thận. Với bệnh ung thư, việc ăn mặn cũng là yếu tố thúc đẩy nguy cơ ung thư dạ dày.
Ăn ít rau
Ăn ít rau và trái cây được quy cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ.
Theo khuyến cáo của WHO, cần ăn ít nhất 400 gam rau và trái cây mỗi ngày. Điều này giúp phòng chống các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.
Nam giới Việt ăn ít rau xanh hơn nữ giới
Tuy nhiên, mức tiêu thụ rau của người Việt rất thấp. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, người Việt chỉ ăn khoảng 200 gram/người/ngày, với quả chín là 65 gram/người/ngày.
Đến nay có đến hơn một số dân số trưởng thành (57,2%) ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo của WHO. So với nữ giới, nam giới ăn ít rau xanh hơn (với 61,3% nam giới và 51,4% nữ giới). Đây là các yếu tố thúc đẩy nguy cơ gây ung thư, trong đó có ung thư ruột, ung thư đại trực tràng.
TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Bữa ăn không cân đối, nhiều đạm ít rau, ít chất xơ, thực phẩm có chất bảo quản, đặc biệt có đồ uống kích thích như rượu bia... lâu dài sẽ làm loạn khuẩn đường ruột, kích thích đường tiêu hóa và gây bệnh.
Theo Tổ chức Lương nông thế giới, cần 14 g chất xơ cho mỗi 1.000 kcal khẩu phần. Với người Việt Nam, nhu cầu chất xơ khuyến nghị tối thiểu 18-20 g một ngày (khoảng 300 g rau và 100 g quả chín).
Ăn quá nhanh
Khi nhai, các tuyến nước bọt bắt đầu hoạt động, cơ thể được thông báo sẽ được cung cấp thức ăn và tạo thêm thời gian chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa.
Ăn quá nhanh khiến thức ăn chưa được nghiền nát hoặc chưa thực sự nhỏ, khi xuống dạ dày mất nhiều thời gian hơn mới tiêu hóa được thức ăn, làm tăng gánh nặng cho dạ dày.
Nếu ăn nhanh trong một thời gian dài có thể gây ra tình trạng đau dạ dày và làm dây thần kinh vị giác vẫn ở trạng thái hưng phấn, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến vị giác.
Mặt khác, khi ăn nhanh, nuốt vội vàng khiến cho thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa, không hấp thu dinh dưỡng cần thiết và tăng cảm giác cồng kềnh hoặc chướng bụng sau khi ăn.
Uống nước quá ít, uống nước quá lạnh, quá nóng
Ngày hè, nhiều người Việt có thói quen uống nước mát lạnh để giải toả cơn khát. Điều này thực sự "lợi bất cập hại" bởi lượng calorie sẽ mất đi chậm hơn khi bị "giam giữ" trong cơ thể khiến bạn bị béo.
Ngoài ra, bạn sẽ dễ bị nhiều căn bệnh liên quan tới hô hấp, tiêu hóa gây hại cho khoang miệng, lưỡi, họng, lưỡi, thực quản, dạ dày.
Theo các nguyên cứu, uống nước đá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh co thắt tâm vị.
Ngoài ra, nếu ăn, uống đồ ăn ở nhiệt độ quá cao sẽ làm khoang miệng, cổ họng, niêm mạc thực quản tăng nhiệt nhanh chóng. Điều này có thể dẫn tới tổn thương ở các khu vực trên, thậm chí gây bệnh nếu duy trì thói quen trong thời gian dài.
Cơ thể chúng ta cần từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Thói quen uống ít nước không thể giữ cho thận được làm sạch và thải bỏ độc tố ra ngoài.