Đi cùng với sự phát triển của xã hội, con người cũng dần ý thức hơn đến tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe thông qua những hoạt động, thói quen hằng ngày. Dù vậy, đôi khi những việc bạn tưởng là lành mạnh, thực chất lại đang phá hủy sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là 5 thói quen này, nhiều người không biết vẫn làm hằng ngày.
1. Bổ sung vitamin bừa bãi
Vitamin cần thiết cho cơ thể nhưng không có nghĩa là ai cũng cần bổ sung nó. Thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày đều chứa nhiều loại vitamin, do đó nếu bạn là người có chế độ ăn uống cân bằng, về cơ bản bạn không cần bổ sung thêm.
Ngoài ra, có nhiều loại vitamin và chức năng của chúng cũng khác nhau, nếu bổ sung một cách bừa bãi có thể gây ra nhiều rối loạn trong cơ thể, từ đó hình thành nên bệnh. Ví dụ, những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tiêu thụ nhiều vitamin C không những không có lợi cho sức khỏe mà còn làm tăng kích thích cho dạ dày.
Một số người phải uống vitamin C dạng viên sủi mỗi ngày, nhưng chỉ những người thiếu vitamin mới cần bổ sung, dùng quá liều lâu dài có thể gây sỏi đường tiết niệu.
2. Uống 8 cốc nước cùng một lúc
Một số người trong ngày bận rộn đến mức không có thời gian uống đến một ngụm nước, buổi tối nghĩ lại thì hôm nay chưa uống đủ nước nên uống bù 1 lần 8 cốc. Điều này không những không giúp bạn giữ gìn sức khỏe mà còn gây hại cho cơ thể.
Uống nhiều nước một lúc sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày và ruột, đồng thời có thể gây hạ natri trong máu dẫn đến chứng buồn ngủ, buồn nôn, co giật, thậm chí hôn mê, nếu không được cấp cứu kịp thời, trường hợp nặng nhiều khả năng sẽ tử vong.
Cơ thể con người mất khoảng 1800 - 2000ml nước mỗi ngày do phải đào thải nước tiểu, mồ hôi và bay hơi nước trên da… Vì vậy, 8 ly nước mỗi ngày cho người trưởng thành khỏe mạnh có nghĩa là cần bổ sung khoảng 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Cách tốt nhất là bạn nên phân bổ tổng lượng nước cần uống vào nhiều thời điểm trong ngày, mỗi lần uống khoảng 200ml.
Cần lưu ý là không cần uống nước khi không khát, tốt nhất nên uống nước khi hơi khát, lúc này uống nước thì cơ thể dễ hấp thụ nhất, bạn có thể uống một cốc nước ấm vào buổi sáng, uống một cách từ từ; không dùng nước hoa quả, đồ uống khác, trà đặc để thay thế nước, nhất là đồ uống có ga sẽ đẩy nhanh quá trình mất nước của cơ thể.
3. Nhịn ăn tiêu cực
Ăn quá nhiều thực sự không tốt cho cơ thể và có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe như béo phì và bệnh mãn tính. Nhưng việc nhịn ăn không tuân theo quy luật sinh lý của cơ thể con người cũng sẽ làm rối loạn hoạt động bình thường của đường tiêu hóa (tính thẩm thấu của ruột, tiết dịch tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa) và gây viêm loét dạ dày cùng nhiều bệnh khác.
4. Đi 10.000 bước mỗi ngày
Đi bộ là môn thể thao tốt nhất trên thế giới. Dù là đi bộ đường dài hay quãng ngắn, những người thường xuyên làm việc này đều khỏe mạnh hơn người ít đi bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng đi bộ 6000 bước mỗi ngày với quãng đường khoảng 3 - 4km trong 30 phút ở cường độ vừa phải là cách rèn luyện sức khỏe tốt nhất.
Việc đi bộ quá nhiều đến 10.000 bước mỗi ngày là rất tiêu cực, vừa không có lợi cho sức khỏe vừa tạo nên áp lực lớn cho khớp gối của bạn. Lâu ngày, việc làm trên khiến bạn có thể gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe khớp gối, kể cả bạn vẫn còn trẻ khỏe đi chăng nữa thì cũng không thể thoát khỏi.
5. Tập thể dục cho đến khi ra mồ hôi mỗi đêm
Ngày nay, nhiều bạn trẻ đến phòng tập sau khi tan sở để rèn luyện thân thể. Ban ngày cuộc sống bận rộn cơ thể rất mệt mỏi, buổi tối lại cố gắng tập luyện cho đến khi ra mồ hôi mới coi là có hiệu quả và dừng lại. Điều này thực chất rất hại cho sức khỏe, có thể làm tổn thương các cơ, đồng thời khiến bạn ở trong trạng thái quá hưng phấn, ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm, về lâu dài sẽ không tốt cho cơ thể.
Tập thể dục vừa sức, cường độ vừa phải và thời gian hợp lý, dù ra mồ hôi ít hơn nhưng nó lại có lợi cho sức khỏe, không khiến bạn bị mệt mỏi quá sức hay tổn thương cơ thể.
Nguồn và ảnh: NDTV