Sức khỏe là mục tiêu mà chúng ta luôn theo đuổi và hằng mong ước! Nếu có cơ thể khỏe mạnh, tinh thần tích cực thì đó là một người "rất rất rất" hạnh phúc và đáng tự hào! Để giữ gìn sức khỏe, mọi người sẽ nghĩ đến chuyện tự nấu ăn tại nhà là an toàn nhất, tuy nhiên, đôi khi thực tế lại không phải như vậy.
Mọi người đều quen thuộc với dầu ăn, vì chúng ta có thể ăn nó hàng ngày. Dầu thực vật ngày càng trở nên phổ biến, chính vì nó không chỉ tiết kiệm, hợp túi tiền mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Dù vậy, một khi sử dụng sai cách, nó cũng có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí tạo điều kiện cho ung thư phát triển.
Dưới đây là 5 thói quen xấu khi sử dụng dầu ăn mà nhiều người mắc phải, đặc biệt là 2 cái cuối ít ai tránh được.
1. Nấu ở nhiệt độ cao
Nhiều người thích xào, nấu ở nhiệt độ cao. Họ đã quen với việc đợi dầu trong nồi bốc khói rồi mới nấu. Cách làm này là phản khoa học.
Dầu ở nhiệt độ cao sẽ không chỉ phá hủy chất dinh dưỡng của thực phẩm mà còn tạo ra một số peroxit và chất gây ung thư. Do đó, khi nấu nướng có sử dụng dầu, bạn nên làm nóng chảo trước rồi đổ dầu vào, chấm đầu đũa gỗ vào trong chảo, nếu thấy bong bóng sủi tăm nhỏ quanh đầu đũa bạn có thể cho thực phẩm vào xào nấu mà không cần đợi dầu bốc khói.
2. Dầu ăn để lâu
Nhiều người mua dầu ăn dạng thùng để tiết kiệm và tiện dụng (sẵn có mỗi khi hết), nhưng bạn có biết ăn dầu cất trữ trong thời gian dài có hại cho sức khỏe? Sau khi dầu ăn tiếp xúc với không khí, nó sẽ sản sinh ra peroxit, thậm chí phát triển nấm mốc, tạo ra aflatoxin - chất gây ung thư mạnh cho cơ thể con người. Vì vậy, không nên tiêu thụ dầu đã để lâu. Dầu ăn sau khi được mở nắp (chai/can dầu) và tiếp xúc với không khí chỉ nên tiêu thụ trong tối đa là 3 tháng.
Bên cạnh đó, nhiều người quen đặt một nồi dầu nhỏ cạnh bếp, rất dễ sử dụng. Dầu khi được múc ra sử dụng có thể bị chảy xuống, bám lên mặt ngoài của nồi dầu, đặc biệt là dưới đáy nồi. Lâu ngày, lượng dầu bám bên ngoài sẽ dễ bị ôi thiu, một khi nồi dầu được bắc lên bếp đun tạo ra khói dầu chứa nhiều chất gây ung thư khủng khiếp, trong đó đáng sợ nhất là glycidaldehyde.
3. Người có bệnh ăn lượng dầu như người thường
Đối với những người có lipid máu bất thường hoặc cân nặng bất thường, chúng ta càng phải chú ý đến việc lựa chọn các loại dầu thực vật có hàm lượng axit béo không bão hòa đơn cao. Đồng thời, lượng dầu sử dụng cho họ cũng cần được kiểm soát.
Những người có lipid máu và cân nặng bình thường không nên tiêu thụ quá 25g dầu mỗi ngày.
4. Chỉ ăn dầu thực vật, không ăn mỡ lợn
Đúng là dầu thực vật có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nó bổ sung cho cơ thể vitamin và các axit béo thiết yếu. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn chỉ tiêu thụ dầu ăn, không dùng mỡ động vật (cụ thể là mỡ lợn).
Mỡ lợn chứa nhiều axit béo bão hòa - thứ mà dầu ăn khó có thể cung cấp được, có lợi cho cơ thể con người nếu ăn ở một liều lượng nhất định. Do đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn nên ăn cân bằng cả dầu thực vật và mỡ lợn.
5. Dầu được chiên đi chiên lại nhiều lần
Nhiều người không muốn đổ dầu chiên đi sau khi họ dùng nó để chiên ở nhiệt độ cao hoặc chiên ngập dầu.
Việc làm này tuy tiết kiệm nhưng lại gây hại cho sức khỏe. Dầu được đun nóng ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra các axit béo chuyển hóa và các sản phẩm oxy hóa lipid độc hại. Chúng có thể dễ dàng ngấm vào thực phẩm và đi vào cơ thể con người, gây nên bệnh ung thư cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Cách sử dụng dầu tốt cho sức khỏe
- Nên sử dụng bình thủy tinh hoặc gốm để đựng dầu vì chúng ổn định hơn. Hạn chế đựng dầu trong can, chai nhựa vì chất dẻo có thể hòa tan trong dầu ăn. Đặc biệt trong môi trường nhiệt độ cao, chất hóa dẻo sẽ có độc tính mãn tính, thậm chí gây ung thư.
- Mua một chai dầu nhỏ, đủ dùng: Nếu nhà không có nhiều người ăn thì không nên mua một thùng dầu lớn, dầu không thể dự trữ được lâu, nó được để hở càng lâu thì khả năng hư hỏng càng lớn. Dầu không sinh vi khuẩn nhưng rất "sợ" bị oxy hóa. Quá trình oxy hóa lipid trong dầu không chỉ làm giảm giá trị dinh dưỡng của dầu, phá hủy các axit béo không bão hòa, mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa của con người do sản sinh lượng lớn các gốc tự do khi tiêu thụ.
Nguồn và ảnh: Sohu, Eat This