Cách đây vài ngày, ông Xiao (45 tuổi, Trung Quốc) bị đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy nhiều lần trong ngày và tình trạng này kéo dài đến mấy ngày rồi. Ban đầu, ông nghĩ rằng chuyện bị tiêu chảy không phải là vấn đề lớn.
Tuy nhiên, ông dần không thể chịu đựng được việc tiêu chảy cả chục lần một ngày, khiến toàn thân vô cùng suy nhược, thậm chí còn bị sốt. Sau khi đến bệnh viện, bác sĩ xem xét tình trạng của ông Xiao, cho rằng đó không phải chỉ là tiêu chảy thông thường nên muốn giữ ông lại để kiểm tra sức khỏe. Nhưng ông Xiao nhất quyết muốn về nhà.
Một ngày sau khi về nhà, ông Xiao bất ngờ ngất xỉu ngay sau bữa trưa. Vào lúc anh trai tìm thấy, ông đã rơi vào trạng thái mê sảng rồi. Vì vậy, ông Xiao được đưa trở lại bệnh viện một lần nữa.
Sau khi kiểm tra chi tiết, người ta thấy rằng tình trạng của ông rất xấu, huyết áp chỉ còn 60/40mmol/L, phổi rối loạn và có đờm lẫn máu trong cổ họng. Nhiều kết quả khác nhau cho thấy ông Xiao có vấn đề lớn trong cơ thể. Mặc dù đã được điều trị ngay lập tức, nhưng tình hình sức khỏe của ông vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Cuối cùng, sau 3 ngày điều trị tích cực, ông Xiao đã qua đời.
Qua phân tích, người ta thấy rằng nguyên nhân khiến ông Xiao gặp phải tình trạng nghiêm trọng như vậy có liên quan đến món thịt đông lạnh mà ông đã ăn vài ngày trước. Trong món thịt đông lạnh đó có một loại vi khuẩn rất mạnh gọi là Listeria. Tức ông Xiao bị nhiễm trùng vì ăn thức ăn có vi khuẩn Listeria. Tuy nhiên, ông lại trì hoãn việc chữa trị kịp thời nên mới xảy đến cơ sự này.
Ăn thức ăn thừa quả thực là một thói quen phổ biến của nhiều gia đình để tránh lãng phí. Nhưng theo quan điểm sức khỏe, đó không phải là một thói quen tốt.
Thức ăn thừa được bảo quản càng lâu thì càng có nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngay cả khi được đặt trong tủ lạnh, nó vẫn có khả năng sinh ra vi khuẩn, và thậm chí là vi khuẩn Listeria. Nếu bị nhiễm vi khuẩn này, bạn sẽ bị tiêu chảy, đau đầu dữ dội, buồn nôn… theo thời gian, bạn có thể bị sốc cho đến chết.
Vì vậy, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta nên cố gắng nấu vừa đủ ăn, đừng "no bụng đói con mắt" khiến thức ăn lúc nào cũng bị thừa lại. Ăn càng ít thức ăn thừa trong ba bữa một ngày càng tốt, nếu muốn dùng lại thức ăn thừa an toàn thì phải ăn một cách khoa học.
Làm thế nào để dùng lại thức ăn thừa một cách khoa học và an toàn?
- Thức ăn thừa phải được làm nóng kỹ trước khi ăn:
Sau khi đun kỹ, một số vi khuẩn trong thực phẩm có thể bị loại bỏ. Thịt nếu không được đun kỹ rất dễ ẩn chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, khi ăn vào rất dễ bị tiêu chảy. Ngay cả khi đó là những món ăn nguội còn sót lại, hãy cố gắng hâm nóng lại trước khi ăn, nếu không hâm nóng được thì không nên ăn lại.
- Cố gắng không để thừa lại rau xanh:
So với thịt, các loại rau thừa, đặc biệt là rau xanh thừa có nhiều khả năng tạo ra nitrit (khi đi vào cơ thể có thể tạo ra chất nitrosamine có khả năng gây ung thư cao) hơn. Bên cạnh đó, các chất dinh dưỡng trong rau cũng đã bị mất đi sau khi được bảo quản trong thời gian dài và đun lại. Vì vậy, bạn nên cố gắng không ăn các loại rau còn thừa lại.
Nguồn và ảnh: Sohu, Eat This, Healthline