Rượu bia từ lâu đã trở thành thứ khó mà thiếu được mỗi dịp Tết đến, xuân về. Cùng cạn chén với nhau để nhìn lại những buồn vui đã qua, tạm biệt năm cũ. Rót ly rượu đầy để mừng năm mới đến, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.
Tuy nhiên, sử dụng rượu bia như thế nào cho an toàn, lành mạnh đối với sức khỏe lại là điều không phải ai cũng biết.
Ảnh minh họa: Sohu
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Medlatec, "hiện nay, tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam hết sức đáng báo động, đứng thứ 19 trên toàn thế giới về số lượng rượu tiêu thụ hàng năm. Chúng tôi gặp thường xuyên các ca bệnh do rượu bia như viêm tụy cấp, tổn thương gan cấp, tổn thương gan cấp tính trên nền mãn tính, xuất huyết tiêu hóa, các bệnh lý của hệ cơ quan khác như bệnh tim mạch, tiểu đường… trở nên khó kiểm soát hơn.
Rượu bia có xấu không? Tôi không cho nó là xấu. Rượu bia đem đến những lợi ích như nó làm cho con người ta sảng khoái hơn, giảm stress, làm hưng phấn và mang đến giấc ngủ ngon hơn. Đứng về phương diện tim mạch, khi uống rượu, đặc biệt khi uống rượu vang, giúp làm tăng thành phần mỡ máu HDL - cholesterol tốt trong cơ thể, hạ lượng LDL - cholesterol xấu xuống, từ đó hạn chế các mảng xơ vữa trên về mặt động mạch…
Nhưng cần nhớ, rượu bia chỉ tốt khi chúng ta tôn trọng ngưỡng an toàn".
Dưới đây là 5 lưu ý giúp bạn có thể hạn chế tác động xấu của rượu bia đối với sức khỏe.
1. Ăn trước khi uống
"Nếu biết trước là chúng ta sẽ phải uống nhiều thì điều quan trọng là đừng để chiếc bụng đói bởi vì dạ dày càng trống thì bạn sẽ càng dễ say hơn", ThS. BS Nguyễn Phương Anh, giảng viên bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết.
Thêm vào đó, "khi không ăn trước khi uống rượu bia, axit trong dạ dày tăng kích thích dạ dày hơn, dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến viêm dạ dày.
Do đó, để phòng tránh nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng, trước khi uống rượu bia, mọi người nên ăn một chút thức ăn, chẳng hạn như bánh mì, chất lỏng, nhớt như canh hoặc nước bột sắn để giúp ‘tráng, bọc lại’ bề mặt dạ dày, tránh làm tổn thương niêm mạc dạ dày khi uống rượu bia", TS. BS. Hoàng Minh Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ.
Để hạn chế khả năng hấp thu rượu vào đường tiêu hóa, "trước khi uống rượu bia, chúng ta cũng nên ăn những thực phẩm có nồng độ protein cao, ví dụ như protein động vật trong lòng trắng trứng, sữa, phô mai… giúp kết tủa lượng cồn tự do, làm giảm khả năng hấp thu vào đường tiêu hóa. Hoặc ăn thực phẩm giàu protein thực vật như đậu xanh", PGS. Vân bổ sung.
2. Uống nhiều nước sau khi uống rượu
Sau khi uống rượu, cách để đào thải chất cồn nhanh ra khỏi cơ thể là uống nhiều nước. Nước sẽ hòa loãng chất cồn, làm gia tăng lưu lượng tuần hoàn, từ đó rượu sẽ được thải ra qua ống tiêu hoá, đường hô hấp và nước tiểu, PGS. Vân chia sẻ.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên uống thêm các loại nước giúp trung hòa axit như nước chanh, cam, nước gừng mật ong, nước dừa, nước mía, trà hoặc ăn những thực phẩm có tác dụng tương tự như cải xanh, củ cải… hoặc các loại canh có sẵn trên bàn tiệc. Việc làm này sẽ hạn chế các triệu chứng do rượu gây ra khi vào ống tiêu hóa như đau đầu, buồn nôn…
Bên cạnh đó, ThS. Phương Anh cũng nhắc nhở "những người uống nhiều thì thường sẽ ít ăn, vì vậy họ dễ bị hạ đường huyết. Triệu chứng hạ đường huyết này sẽ rất khó phát hiện trong trường hợp tình trạng say xỉn diễn ra. Do đó, tốt nhất sau khi bị say, chúng ta nên ăn 1 bát cháo, vừa nhiều nước vừa cung cấp tinh bột, ngăn ngừa khả năng bị hạ đường huyết".
Ảnh minh họa: Aboluowang
3. Không pha trộn các loại rượu hoặc uống cùng những loại nước khác
PGS. Vân lưu ý mọi người rằng khi uống rượu bia không nên uống nhiều loại cùng lúc hoặc uống cùng các loại nước khác, bởi khi vào cơ thể, các loại rượu bia này sẽ hòa trộn với nhau khiến độc tính của rượu tăng lên, khả năng cơ thể hấp thu nó cũng tăng lên.
Chẳng hạn như nước tăng lực, không nên uống cùng rượu do nước tăng lực làm cho thần kinh trở nên minh mẫn hơn khiến bạn có thể uống nhiều hơn bình thường mà chưa cảm thấy say, điều này vô tình làm chúng ta uống nhiều lên. Đến khi xuất hiện triệu chứng say thì nồng độ cồn trong cơ thể đã trở nên rất cao, tăng nguy cơ ngộ độc rượu.
4. Chú ý đến "ngưỡng an toàn"
Thực sự rất ít người để ý đến ngưỡng cần phải dừng lại việc uống rượu bia hay chưa. Tuy nhiên, nếu để ý một chút khi đến ngưỡng cần phải dừng uống rượu bia thì sẽ thấy hơi đau đầu, chân tay hơi run và cảm giác nói hơi kích thích.
Khi vượt qua ngưỡng này, có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu như người cảm thấy lạnh hoặc nóng bừng lên, chân tay bủn rủn, cảm giác dễ ngã. Nặng hơn nữa là tình trạng nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt và cảm giác chỉ muốn đi ngủ.
Theo PGS. Vân, "cơ thể của người trưởng thành chỉ chuyển hóa được 1g rượu/10kg cân nặng/1 giờ. Ví dụ, người nặng 50kg chỉ chuyển hóa được 5g rượu trong 1 giờ, nếu người này uống 50g rượu thì phải cần đến 10 giờ để cơ thể chuyển hóa hết rượu.
Theo các nghiên cứu, một người bình thường chỉ nên uống trong khoảng từ 10-30g cồn 1 ngày thì cơ thể hoàn toàn có thể tiêu hóa được, còn nếu uống trên 50g cồn thì sẽ gây hại cho cơ thể. Lấy ví dụ, 1 lon bia 330ml, nồng độ cồn trong khoảng 5%, 100ml thì 5g cồn, vậy 330ml là hơn 15g cồn. Do đó, chỉ uống 2 lon bia là đã vượt quá ngưỡng an toàn 30g rồi. Nếu uống hơn 2 lon bia rồi thì ngày hôm sau phải nghỉ (không được uống đồ uống có cồn nữa) thì cơ thể mới có thể tiêu thụ hết số lượng cồn tích lũy đó".
Ảnh minh họa: Sohu
5. Tuyệt đối không uống Paracetamol khi bị đau đầu sau uống rượu
Những ngày sau khi uống rượu, chúng ta có thể có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, chân tay bủn rủn, buồn nôn… thì tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol, PGS, Vân cảnh báo.
Điều này là bởi thuốc sẽ được đào thải qua gan, giá trị độc của thuốc lúc này rất khó để biết được, tùy vào cơ địa mỗi người. Lúc này, rượu đã gây độc cho gan rồi, cộng thêm Paracetamol nữa sẽ rất dễ khiến chúng ta rơi vào tình trạng suy gan cấp.
HỎI: Uống rượu bia mỗi ngày một tăng lên là khả năng hấp thụ rượu bia được cải thiện?
PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Medlatec trả lời: Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Người uống rượu nhiều sẽ có tình trạng “quen” với ngưỡng uống đó, cho nên càng ngày người ta càng uống nhiều hơn, gây ra tình trạng “nghiện rượu”, thiếu rượu là không được. Khi chúng ta uống rượu như vậy, lượng cồn vẫn tích tụ trong cơ thể và sẽ bị chuyển hóa thành aldehyde - một chất độc nếu tích tụ lâu trong cơ thể có thể gây tổn thương gan mãn tính dẫn đến xơ gan, thậm chí là ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.