Những tình huống chưa có trong tiền lệ cấp cứu
Bé M.H.T.N (11 tuổi, sống tại làng Nủ, xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) được đội cứu hộ tìm thấy sau trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng ở Làng Nủ. Trẻ bị cuốn trôi 1km.
Sau khi vào Bệnh viện huyện Bảo Yên, bé N. được đưa sang Bệnh viện tỉnh Lào Cai (đã mở khí quản, thở máy). Rạng sáng 11/9, bệnh nhi chuyển đến Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, tụt huyết áp.
Bệnh nhi được chụp CT sọ não cho thấy chấn thương sọ não, phù não lan tỏa. Ngay sau đó, bé N. vào Trung tâm Nhi khoa để điều trị. Trẻ nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, suy hô hấp nặng, tổn thương viêm phổi nặng (ARDS) do đuối nước và hít phải bùn đất, chấn thương gan độ 3, gãy 1/3 xương đòn phải, theo dõi tụ máu dưới màng bán cầu não trái, nhiễm khuẩn suy đa tạng.
Các biện pháp chuyên sâu như lọc máu, thở máy, nội soi phế quản, kháng sinh đã được áp dụng ngay cho bệnh nhi những giờ đầu tiên.
Bệnh nhân N. trong những ngày hồi sức tích cực. Ảnh: BVCC.
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết tình trạng trẻ rất cam go, viêm phổi trầm trọng do ứ nước và bùn đất.
“Chưa bao giờ lịch sử cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp có tổn thương phổi kèm theo nhiều dị vật, cát sỏi như vậy. Nếu không lấy dị vật có thể gây phản ứng viêm, nhiễm trùng, việc cấp cứu khó khăn. Một tuần rửa lọc phổi, dịch từ phổi vẫn đục ngầu bùn cát”, tiến sĩ Sơn nói.
N. còn được làm thêm các xét nghiệm về nấm, vi khuẩn có trong cát, bùn đất mà bệnh nhân hít phải trong thời gian bị lũ cuốn và vùi lấp. Các bác sĩ cùng bàn bạc đưa ra phác đồ tối ưu, giải pháp cứu chữa 2 lá phổi với nhận định không mấy khả quan.
Tiến sĩ Sơn chia sẻ những ngày đầu, việc cấp cứu rất căng thẳng, áp lực, kịch tính, nhiều lúc tưởng chừng tuyệt vọng, cơ hội sống hết sức mong manh.
Chuyên gia người Nhật khám cho bé N. Ảnh: BVCC.
Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai, xúc động cho biết: "Chưa bao giờ trong chuyên môn chúng tôi gặp ca bệnh căng thẳng như vậy. Khó khăn nhất là chọn thuốc phù hợp, có những chẩn đoán sử dụng phác đồ chưa có tiền lệ cho bệnh nhi".
Ngày 18/9, em N. dừng lọc máu, ngày 20/9 được rút ống nội khí quản. Đến ngày 21/9, các bác sĩ phải đặt lại ống nội khí quản do sốt cao, tình trạng viêm phổi tiến triển nặng.
Từ ngày 25/9 đến ngày 29/9, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Ngày 29/9, em N. cai thở máy và ngày 30/9 đã cử động được tại giường. Tiến sĩ Sơn xúc động nhớ lại khoảnh khắc bệnh nhi tỉnh: “Tôi cảm giác như người thân của mình vừa quay lại với sự sống”.
Mời chuyên gia Pháp sang tập phục hồi cho trẻ
Khi trẻ tỉnh, việc phục hồi chức năng rất quan trọng, Bệnh viện Bạch Mai mời chuyên gia từ Pháp sang để phục hồi chức năng. Ngày 9/10, bé N. đã đi lại được, tiếp xúc tốt, thở khí phòng. Các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và biểu hiện lâm sàng ghi nhận bệnh nhân phục hồi tốt.
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngay từ khi tiếp nhận bé N., ban lãnh đạo đã quyết tâm cố gắng cao nhất cứu người bệnh với mong muốn xoa dịu nỗi đau tại làng Nủ. Nhiều cuộc hội chẩn toàn bệnh viện đã diễn ra với tất cả chuyên khoa và mời chuyên gia Nhật Bản.
Để có nguồn lực điều trị cho bé N., bệnh viện nhận phối hợp chặt chẽ của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội ngay từ ban đầu, cung cấp thông tin về thẻ bảo hiểm y tế. Vì bão lũ, bệnh nhi không có bất cứ giấy tờ để có thể tra cứu, tổng số tiền mà quỹ bảo hiểm y tế chi trả gần 600 triệu đồng.
Số tiền còn lại do Bệnh viện Bạch Mai và các nhà hảo tâm thông qua sự kết nối của Phòng Công tác xã hội giúp đỡ người bệnh và gia đình, bao gồm chi phí về sinh hoạt trong thời gian em N. nằm viện.