Những loại thực phẩm có màu tím thường có nhiều chất dinh dưỡng hơn so với những thực phẩm sáng màu. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra lợi ích của anthocyanins – một chất có hoạt tính sinh học chống oxy hóa, đối với cơ thể con người là:
- Chống lão hóa
- Bảp vệ tim mạch, mạch mái não, bảo vệ gan
- Giảm mỏi mắt và cải thiện thị lực
- Điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột
1. Khoai lang tím
So với các loại khoai lang khác, khoai lang tím có ít tinh bột hơn, hàm lượng protein cao hơn, chứa nhiều sắt, kẽm, magie và chất chống oxy hóa rất tốt cho cơ thể con người. Ngoài ra, khoai lang tím cũng giàu chất xơ, khi ăn sẽ có cảm giác no lâu. Chính vì vậy, đây là một loại thực phẩm rất phù hợp với người ăn kiêng và giảm cân.
2. Cà tím
Cà tím chứa nhiều anthocyanins và polyphenol, giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh tim mạch và mạch máu não. Ngay cả cà tím khi đã bóc vỏ cũng chứa rất nhiều polyphenol. Thực phẩm này có hàm lượng đường thấp, giàu pectin và kali, rất hữu ích trong việc ổn định lượng đường và lipid trong máu.
Tuy nhiên, khi chế biến cà tím cần lưu ý rằng: Cà tím có cấu tạo giống như bọt biển, rất dễ hút dầu. Vì vậy hãy đảo nhanh tay hoặc cho thêm muối để nước trong cà chảy ra, giảm hấp thu chất béo.
3. Hành tím
Hành tím chứa nhiều anthocyanins, chất xơ, một số saponin có thể ức chế tế bào ung thư. Hành càng cay nóng, càng có nhiều chất chống oxy hóa nhưng không phải vì thế mà bạn lạm dụng loại thực phẩm này. Chất “sulfua hữu cơ” có trong hành tây có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, đối với người mắc bệnh về đường tiêu hóa chỉ nên ăn vừa phải.
4. Dâu tằm
Dâu tằm rất giàu anthocyanins, vitamin B1, B2, C cùng các khoáng chất như canxi, kali và magie. Bên cạnh đó, loại quả này cũng giàu chất chống oxy hóa giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường.
5. Bắp cải tím
Bắp cải tím có chứa chất glucosinolates có tác dụng chống ung thư mạnh mẽ. Ngoài hàm lượng anthocyanin cao, bắp cải tím còn giàu canxi, kali và khoáng chất, rất thích hợp cho những bệnh nhân cao huyết áp cần chế độ ăn nhiều kali.
6. Nếp cẩm
Gạo nếp cẩm có vô vàn chất dinh dưỡng có lợi như lysine, tryptophan, vitamin B1, B2, sắt, kẽm, canxi và các nguyên tố khoáng cần thiết. Tuy nhiên, loại gạo này có hàm lượng tinh bột tương đối cao nên không thích hợp dùng hằng ngày trong bữa chính, chỉ nên thỉnh thoảng sử dụng để thể trạng ổn định và khỏe mạnh.