Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 60% yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ có liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Trong khi đó, dạ dày có chức năng chứa và tiến hành tiêu hóa thức ăn nên nó bị ảnh hưởng sớm nhất và nhiều nhất từ cách bạn ăn uống. Cũng bởi vậy mà trong số các bệnh ung thư thì ung thư dạ dày là căn bệnh dễ bị tác động bởi thói quen ăn uống nhất.
Nếu muốn phòng tránh bệnh ung thư dạ dày, các chuyên gia khuyên bạn nên hạn chế ăn 6 loại thực phẩm sau đây:
1. Nước ngọt
Đồ ngọt khi được sử dụng với mức độ vừa phải và đưa vào cơ thể với lượng đường ở mức cho phép thì rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu đi theo chiều hướng ngược lại tức là dung nạp quá nhiều đường trong thời gian dài sẽ có những tác động xấu cho thể trạng. Nhất là dễ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa, ung thư hệ tiêu hóa, nhất là ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư trực tràng hay ung thư dạ dày…
Ảnh minh họa
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí dinh dưỡng hàng đầu "Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ" cho thấy lượng đường tiêu thụ có liên quan trực tiếp đến nguy cơ ung thư tổng thể. Lý do là do ăn quá nhiều đồ ngọt khiến bạn béo lên, và người béo dễ bị ung thư hơn. Nghiên cứu khác tại Viện Karolinska (Thụy Điển) trên 80.000 người trong 8 năm cũng chỉ ra dùng nhiều đồ ngọt làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày.
Trong đó nước ngọt, nhất là nước ngọt có ga đứng đầu danh sách đồ ngọt gây ung thư dạ dày. Bởi vì chúng chứa các thành phần sau: hợp chất sodium benzoate, axit phosphoric, Bisphenol A và nhiều hoạt chất khác có hại cho sức khỏe.
Bên cạnh việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, gan, trực tràng, tuyến tụy… thì sử dụng nhiều nước có gas có thể dẫn đến các bệnh mãn tính như hen phế quản, tiểu đường, tim mạch…
2. Rượu bia
Nhắc đến kiểu ăn uống “giết chết” dạ dày thì không thể bỏ qua rượu bia. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn quan niệm rằng rượu bia chỉ gây ra ung thư khi uống quá nhiều, dẫn tới lạm dụng hoặc nghiện rượu bia. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất về vấn đề này vào năm 2022 của Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) thì lại cho kết quả khác.
Cụ thể, dù uống rượu bia với nồng độ thấp hoặc chỉ uống một chén mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày đáng kể. Nghiên cứu cho thấy, so với những người không uống rượu, những người uống rượu nhẹ hàng ngày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 31%. Nếu uống từ 5 lần trở lên mỗi tuần làm tăng 46% nguy cơ ung thư dạ dày.
Nguyên nhân là khi vào cơ thể, dưới tác dụng của enzyme alcohol dehydrogenase, rượu bia được oxy hóa thành acetaldehyde, là 1 chất gây ung thư bằng cách gây tổn thương gene. Ngoài ra, bản thân cồn và các chất độc hại trong rượu bia khi đi vào dạ dày qua thực quản cũng đã gây tổn thương trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, lâu ngày dễ dẫn đến hình thành ung thư dạ dày.
3. Thịt nướng, thịt hun khói
Thịt nướng và thịt hun khói là những món ăn hấp dẫn, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, nếu ăn chúng quá thường xuyên thì cái giá bạn phải trả sẽ giống như “họa từ miệng mà ra” với rất nhiều bệnh tật, bao gồm cả ung thư.
Từ nhiều năm trước, thịt nướng và thịt hun khói đã được WHO xếp vào danh sách nên hạn chế ăn bởi có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng. Bởi vì các nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) - trực thuộc WHO cho thấy cách chế biến này sản sinh ra chất độc benzopyrene.
Ảnh minh họa
Chất này được WHO xếp vào nhóm chất gây ung thư nguy hiểm hàng đầu. Chỉ cần hấp thụ 1 nanogram benzopyrene cũng có thể làm thay đổi cấu trúc, hướng và chức năng của DNA trong cơ thể con người. Nó không chỉ gây ra ung thư dạ dày mà còn cả ung thư gan và ung thư phổi.
Nướng hoặc hun khói thực phẩm, không chỉ riêng thịt cũng làm sản sinh ra cycloaromatic hydrocarbon - amin dị vòng gây ung thư. Chưa kể, thịt hun khói còn chứa rất nhiều chất béo, hàm lượng cholesterol cao và natri có hại. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ăn 2 miếng thịt hun khói mỗi ngày làm tăng nguy cơ bị ung thư đại tràng lên 21%.
4. Đồ muối chua
Theo báo cáo "Chế độ ăn uống, dinh dưỡng, hoạt động thể chất và ung thư dạ dày" do Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới công bố năm 2016, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn 70% ở những người có lượng thực phẩm được bảo quản bằng muối cao nhất so với những người có lượng muối thấp nhất.
Đến năm 2017, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) - trực thuộc WHO chính thức xếp thực phẩm muối chua vào danh sách chất gây ung thư nhóm 2B.
Lý do là bởi thực phẩm muối chua chứa nhiều nitrit. Đây là một loại phụ gia thực phẩm phổ biến, lượng ăn vào trong mức cho phép sẽ không gây hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu hấp thụ quá nhiều nitrit sẽ phản ứng với các sản phẩm phân hủy protein trong dạ dày để tạo thành nitrosamine, đây là chất gây ung thư cực mạnh. Từ đó gây ra ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vòm họng và thực quản. Ngoài ra còn còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch và mạch máu não.
5. Đồ chiên rán
Dầu thực vật khi đun nóng trên 270 độ C sẽ tạo ra benzopyrene, đạt ngưỡng 300 độ C sẽ tạo ra một lượng lớn benzopyrene. Dễ dẫn đến ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư phổi…
Hơn nữa, quá trình chiên rán còn sản sinh ra polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) và heterocyclic amines (HCAs). Đây đều là các hợp chất gây ung thư dạ dày vô cùng nguy hiểm đã được WHO cảnh báo nhiều lần.
Đặc biệt, các hàng quán sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần còn làm tăng hàm lượng, vô cùng nguy hiểm. Nên dù các món chiên rán như cá rán, gà rán, khoai tây chiên… tuy có màu sắc và mùi rất hấp dẫn nhưng nên hạn chế ăn. Nếu có thể, hãy tự chế biến chúng tại nhà để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
6. Các món nêm nếm nhiều muối
Theo tạp chí y khoa nổi tiếng thế giới The Lancet, ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, bao gồm cả ung thư dạ dày.
Ảnh minh họa
Lý do là vì ăn quá nhiều muối có thể làm hỏng hàng rào niêm mạc dạ dày, làm tăng tính nhạy cảm của niêm mạc dạ dày với các chất gây ung thư. Như vậy lâu dần sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh dạ dày tăng cao. Bên cạnh đó, ăn mặn tạo điều kiện cho vi khuẩn HP phát triển - nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày hàng đầu.
Ngoài ra, The Lancet cũng dẫn một nghiên cứu của Mỹ về tác hại của ăn thừa muối tới bệnh tim mạch, các bệnh mãn tính khác. Cụ thể, nghiên cứu này chỉ ra có khoảng 50% trường hợp cao huyết áp và 33% trường hợp đột quỵ là do chế độ ăn nhiều muối.
Theo khuyến nghị từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1 người trưởng thành không nên ăn quá 2g natri hay tương đương với khoảng 5g muối trên ngày. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đưa ra khuyến nghị thận trọng hơn là 1,5 g natri mỗi ngày, đặc biệt đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim.
Nguồn và ảnh: Sohu, The Lancet, WHO