64% tác dụng phụ của vắc-xin Covid-19 là hiệu ứng Nocebo

Các nhà khoa học Mỹ ví Nocebo như "người anh em song sinh" của hiệu ứng giả dược: đơn thuần là tác dụng phụ giả do tâm lý, bởi nhiều người được tiêm nước muối sinh lý vẫn bị "hành".
Chia sẻ

Đó là kết quả của nghiên cứu dựa trên 45.380 người được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc giả dược, tổng hợp từ 12 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên. Công trình được thực hiện bởi Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess (BIDMC) ở Boston (Mỹ) và vừa công bố trên JAMA Network Open.

Các nhà nghiên cứu ví Nocebo như "người anh em song sinh" của hiệu ứng giả dược, mà nguyên nhân của cả 2 chính là sự lo âu của người được tiêm.

64% tác dụng phụ của vắc-xin Covid-19 là hiệu ứng Nocebo - 1

Quá lo lắng trước khi tiêm chủng sẽ khiến bạn dễ gặp tác dụng phụ nặng hơn do sự cộng dồn của các tác dụng phụ giả từ hiệu ứng Nocebo (Ảnh minh họa từ REUTERS)

Theo Medical Xpress, hiệu ứng giả dược là hiện tượng những người tham gia các nghiên cứu khoa học như một nhóm đối chứng, chỉ được tiêm thuốc giả - thường là nước muối sinh lý, thứ không thể gây bất cứ tác dụng có lợi hoặc có hại nào - nhưng vẫn cảm thấy cơ thể mình gặp tác dụng gì đó.

Đối với người được tiêm thuốc thật cũng vậy: một số thực sự gặp khó chịu do các tác dụng phụ thật nhưng với một số, tác dụng phụ là giả do nguyên nhân tâm lý - đó chính là hiệu ứng Nocebo.

Điều này cũng giải thích nguyên nhân nhóm người bước vào cuộc tiêm chủng với ít lo âu hơn thì cũng ít gặp tác dụng phụ khó chịu hơn.

Trong nghiên cứu mới này, 45.380 tình nguyện viên được chia thành 2 nhóm: 22.802 người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thật, 22.578 người còn lại được tiêm giả dược để đối chứng. Không ai trong số những người này biết mình được tiêm vắc-xin hay giả dược.

Sau mũi tiêm thứ nhất, 46,3% người được tiêm vắc-xin báo cáo các tác dụng phụ toàn thân như nhức đầu, mệt mỏi...; 66,7% báo cáo tác dụng phụ tại chỗ như đau nhức hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm.

Đáng chú ý, 35,2% người dùng giả dược cũng gặp tác dụng phụ toàn thân; 16,2% gặp tác dụng phụ tại chỗ (những tác dụng phụ này là phản ứng giả).

Phân tích và đối chiếu giữa 2 nhóm, các nhà nghiên cứu kết luận ở người tiêm vắc-xin thật, 76% tác dụng phụ toàn thân và 24% tác dụng tại chỗ chỉ là phản ứng giả do hiệu ứng Nocebo. Tỉ lệ gặp hiệu ứng Nocebo giảm rõ sau liều thứ 2, có thể vì người được tiêm đã ít lo âu hơn.

"Các triệu chứng không đặc hiệu như nhức đầu và mệt mỏi - mà chúng tôi chứng minh là đặc biệt nhạy cảm đối với hiệu ứng Nocebo - được liệt kê trong số các tác dụng phụ phổ biến nhất sau khi tiêm chủng Covid-19" - nhà nghiên cứu giả dược Ted J.Kaptchuk từ BIDMC và Trường Y khoa Harvard, nhấn mạnh.

Theo ông, chính các thông tin không khéo léo về tác dụng phụ của vắc-xin Covid-19 trên các tờ rơi truyền thông đã khiến nhiều người gặp hiệu ứng Nocebo hơn. Các tác giả tin rằng phát hiện mới này sẽ góp phần làm giảm lo âu đáng kể trong cộng đồng và giảm sự do dự vắc-xin ở nhiều người.