Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận được các thông tin quan tâm, trong đó có các thông tin về sức khỏe. Mục tiêu có một sức khỏe tốt, một lối sống lành mạnh ngày càng được nhiều người chú trọng. Chúng ta dễ dàng bắt gặp các nội dung tuyên truyền như để có một sức khỏe tốt như tăng loại thực phẩm tốt, ăn nhạt, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ,…
Tuy nhiên, nhiều người áp dụng các thói quen này một cách quá mức hoặc không phù hợp dẫn tới gây hại cho sức khỏe của chính mình.
1. Ăn nhạt quá mức
Chúng ta đều đã biết, thói quen ăn mặn có thể gây tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ,… Do vậy nhiều người lựa chọn việc ăn nhạt tuyệt đối (không ăn muối, không thêm gia vị). Điều này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Muối (Natri) là một chất điện giải quan trọng trong cơ thể, giúp giữ cân bằng lượng dịch trong, ngoài tế bào và trong lòng mạch máu. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ chức năng cơ bắp và dẫn truyền thần kinh. Một chế độ ăn nhạt quá mức kéo dài sẽ gây cho người bệnh cảm giác mệt mỏi, giảm tập trung, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa. Trường hợp nặng có thể gây phù não, co giật.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, chúng ta nên ăn dưới 5 gam muối/ngày. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, ăn nhạt có thể gây huyết áp thấp hoặc tụt dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan quan trọng như tim, não, thận,…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, chúng ta nên ăn dưới 5 gam muối/ngày. Viện Dinh Dưỡng Quốc gia đưa ra lời khuyên để giúp giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày mà không ảnh hưởng đến sức khỏe: Cho bớt muối – Chấm nhẹ tay – Giảm ngay đồ ăn mặn. Bao gồm: Giảm lượng nước mắm và các loại nước chấm, chấm nhẹ tay; Giảm lượng mắm, muối, bột canh khi sơ chế, tẩm ướp thức ăn; sử dụng các hượng vị khác khi chế biến thực phẩm như hành, tỏi, gừng, hạt tiêu,… để tăng độ thơm ngon của thức ăn.
2. Uống nước quá nhu cầu cơ thể
Uống quá ít nước có thể gây táo bón, thậm chí suy thận nhưng uống nước quá nhiều trong một thời gian ngắn có thể gây ngộ độc nước, giảm natri máu, đặc biệt là hạ Natri máu cấp cứu – Là một tình trạng cấp cứu trong y khoa với biểu hiện thay đổi ý thức: lú lẫn, chậm chạp, nôn mửa, yếu cơ, chuột rút, trường hợp nặng có thể gây co giật, thậm chí tử vong. Đây là tình trạng thường gặp ở những người mất nhiều mồ hôi có thể do lao động trong thời tiết nắng nóng, chạy Marathon… mà bổ sung nước quá nhanh. Do vậy, những người này cần mang theo nước bên người (nước lọc hoặc nước có chứa điện giải), uống nước ngay khi cơ thể có dấu hiệu khát.
Theo nhiều hướng dẫn khuyến nghị uống không quá 8 ounce (xấp xỉ 250ml) nước sau mỗi 45 đến 60 phút tập thể dục. Những người bị bệnh suy tim, tăng nhãn áp, suy thận,… nên uống nước theo nhu cầu cơ thể không nên ép bản thân uống quá nhiều nước. Trong điều kiện bình thường, có thể bổ sung cho cơ thể từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày, uống 3-4 lít nước/ngày có thể gây hại cho cơ thể.
Những người bị bệnh suy tim, tăng nhãn áp, suy thận,… nên uống nước theo nhu cầu cơ thể, không nên ép bản thân uống quá nhiều nước. (Ảnh minh họa)
3. Tập thể dục
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh, linh hoạt và một thân hình cân đối. Khi tập luyện đúng cách và vừa phải sẽ giúp cơ thể giải phóng endorphin – một hormon giúp ta cảm thấy vui vẻ hạnh phúc.
Tuy nhiên, việc ép bản thân vào các bài tập cường độ cao và kéo dài sẽ khiến bản thân kiệt sức, cảm giác chán nản khi nghĩ tới việc tập luyện, ngủ không sâu giấc, tăng nguy cơ chấn thương (bong gân, rách cơ, viêm gân, gãy xương,…). Một số trường hợp có thể bị giảm khả năng sinh sản (rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, giảm số lượng tinh trùng ở nam) và giảm ham muốn tình dục do giảm sản xuất testosterone ở nam.
Do vậy, hãy tập thể dục 30 – 60 phút mỗi ngày và chọn lựa các bài tập phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi của bản thân.
4. Bổ sung vitamin quá mức
Ngày nay nhu cầu bồi dưỡng cơ thể tăng cao, quan điểm "dùng càng nhiều càng bổ" nên nhiều người có thể dùng các loại vitamin mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Trên thực tế, quá liều vitamin có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ quá liều vitamin A có thể gây mệt mỏi, dễ bị kích động buồn nôn, tiêu chảy, phát ban , đau dọc các xương (ở trẻ em) hoặc quá liều vitamin D có thể gây mất cảm giác ngon miệng, chán ăn, táo bón, mệt mỏi, tăng canxi máu,…
Do vậy, hãy bổ sung các vitamin theo nhu cầu cơ thể và theo sự tư vấn của bác sĩ.
(Ảnh minh họa)
5. Đánh răng
Vệ sinh răng miệng tốt là cần thiết để giữ cho răng và nướu khỏe mạnh. Nhưng đánh răng quá thường xuyên hoặc quá mạnh có thể làm mỏng men răng, làm răng sẫm màu. Ngoài ra, việc đánh răng quá mạnh có thể gây tụt nướu, khiến răng trở lên nhạy cảm, tăng nguy cơ sâu răng và mất răng.
Để tránh những vấn đề trên, hãy chải răng (và dùng chỉ nha khoa) nhẹ nhàng 2 lần/ngày với bản chải lông mềm đạt chuẩn.
6. Dọn dẹp nhà bếp
Nhà bếp là nơi chúng ta chế biến các món ăn thơm ngon hàng ngày cho gia đình, một nhà bếp bẩn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh do nhiễm vi khuẩn. Do vậy, dọn dẹp nhà bếp hàng ngày là một thói quen tốt.
Tuy nhiên, nhiều người khi vệ sinh bếp có thói quen dùng một khăn lau chung để vệ sinh mặt bàn, bồn rửa, hoặc các bề mặt khác trong bếp. Như vậy, việc vệ sinh bếp thay vì làm giảm lại làm gia tăng khả năng tiếp xúc với các vi khuẩn như E.coli, Salmonella và nhiều vi khuẩn khác, có thể dẫn đến các bệnh lý nhiễm trùng đường ruột, ngộ độc thức ăn,…
Vì vây, hãy chú ý sử dụng các khăn lau riêng và giặt chúng ngay sau mỗi lần sử dụng.
(Ảnh minh họa)
7. Giấc ngủ thay đổi
Nhiều người có lịch trình làm việc bận rộn khiến họ bị thiếu ngủ trong tuần và thường có xu hướng ngủ bù vào ngày cuối tuần. Một thói quen tưởng chừng như tốt với cơ thể bởi giấc ngủ đầy đủ không chỉ giúp giảm mệt mỏi, tinh thần thoải mái mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như béo phì, huyết áp cao, đột quỵ,…
Tuy nhiên, việc thay đổi giấc ngủ ở một người thường xuyên ngủ muộn có thể gây đau đầu, mệt mỏi, đặc biệt ở những người dễ bị chứng đau nửa đầu. Do vậy, tốt nhất, bạn nên sắp xếp lịch ngủ lành mạnh hơn trong suốt cả tuần, hơn là đến ngày cuối tuần ngủ bù.