Cứ 4-5 người thì có 1 người bị tăng huyết áp: Dấu hiệu nào cảnh báo bệnh?

Tăng huyết áp được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi hầu hết những người bị tăng huyết áp không có dấu hiệu cảnh báo hoặc triệu chứng.

Dấu hiệu tăng huyết áp

Bệnh nhân N.N.S (45 tuổi, tại Tiền Giang) phát hiện tăng huyết áp kèm đái tháo đường cách đây 2 năm trong một lần khi khám sức khỏe định kỳ. Khoảng 6 tháng nay, anh thường xuyên nhức đầu, chóng mặt và khó kiểm soát huyết áp.

Vì công việc, bệnh nhân S thường quên uống thuốc, nhất vào thuốc buổi chiều. Trong thời gian này, anh cũng lên cân khá nhiều. Để điều chỉnh huyết áp cho người bệnh, bác sĩ chỉ định người bệnh uống thuốc vào buổi sáng, kết hợp thuốc mới trong điều trị, phối hợp nhiều tác dụng trong một viên thuốc cho người bệnh. Việc này góp phần đơn giản hóa liều thuốc uống mỗi ngày, giúp người bệnh dễ dàng trong việc ghi nhớ cữ thuốc.

BS Trần Hòa - Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) - cho biết khoảng 20-25% dân số thế giới và Việt Nam mắc tăng huyết áp (huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên). Theo đó, cứ 4-5 người thì có 1 người bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi hầu hết những người bị tăng huyết áp không có dấu hiệu cảnh báo hoặc triệu chứng.

Cứ 4-5 người thì có 1 người bị tăng huyết áp: Dấu hiệu nào cảnh báo bệnh? - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoà đang khám cho bệnh nhân, ảnh M.Trí

Các triệu chứng có thể xảy ra bao gồm đau đầu vào buổi sáng sớm, chảy máu cam, choáng váng, nhịp tim không đều, thay đổi thị lực và ù tai. Tăng huyết áp cấp cứu có thể có biểu hiện khó thở, đau ngực, co giật, đột quỵ, tiểu ít.

Mỗi người có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp. Người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và chủ động tầm soát khiến số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỉ lệ thấp.

The bác sĩ Hoà, đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, phần lớn người bệnh không tuân thủ điều trị vì bệnh hầu như không gây triệu chứng điển hình. Nhiều người dù đã được chẩn đoán, điều trị nhưng huyết áp vẫn không đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90 mmHg). Nguyên nhân thường do người bệnh không tuân thủ điều trị bằng thuốc và có lối sống chưa phù hợp (thói quen ăn mặn, thiếu vận động, thừa cân - béo phì…).

Đặc biệt trong việc điều trị bằng thuốc, người bệnh thường quên uống thuốc, chưa phối hợp thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ hoặc uống thuốc không đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…

Nhớ chỉ số huyết áp như nhớ tuổi của mình

Theo bác sĩ Hòa, hiện nay, nhiều người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc 1 lần mỗi ngày, trong cùng 1 viên thuốc có kết hợp nhiều công dụng giúp kiểm soát huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ gây biến cố tim mạch. Đối với người tăng huyết áp có bệnh đồng mắc, bác sĩ sẽ phối hợp điều trị bằng cách chỉ định các loại thuốc mới kết hợp kiểm soát các yếu tố nguy cơ và các bệnh đồng mắc.

Để kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn, người bệnh cần tuân thủ điều trị lâu dài theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cần tái khám ngay nếu huyết áp không ổn định. Người bệnh có huyết áp đã điều trị ổn định chỉ cần tái khám mỗi tháng hoặc thậm chí 3 tháng/lần.

Tuy nhiên, người bệnh tăng huyết áp có kèm đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, thừa cân - béo phì… có thể là đối tượng có nguy cơ cao bị biến cố tim mạch. Vì vậy người bệnh cần tái khám định kỳ các chuyên khoa liên quan đến bệnh lý của mình để được bác sĩ điều chỉnh các yếu tố đồng mắc.

Khuyến cáo mới nhất của phân hội Tăng huyết áp - Hội tim mạch quốc gia Việt Nam về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp cho biết người bệnh cần chủ động đo huyết áp đúng cách tại nhà. Nên nghỉ ngơi ít nhất 15 phút, không uống cà phê, rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá trước đó.

BS Hòa lưu ý người bệnh phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị không dùng thuốc nhưng rất quan trọng, gồm ăn nhạt và hạn chế tối đa lượng muối trong khẩu phần ăn, ăn trái cây hoa quả bổ sung lượng kali, giảm cân nếu thừa cân, tập luyện thể dục thường xuyên và mỗi ngày, tránh stress, giảm sử dụng đồ uống có cồn.

Để phát hiện sớm tăng huyết áp trong cộng đồng, mỗi chúng ta nên nhớ đến việc đo huyết áp như nhớ tuổi của mình. Người bình thường trên 18 tuổi cần đo huyết áp mỗi năm một lần.

Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ và chủ động đo huyết áp đúng cách. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn phù hợp, tập luyện đều đặn để tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.