Đường tiêu hóa tiết lượng axit dịch vị vừa đủ để phân hủy thức ăn trong dạ dày, ổn định quá trình tiêu hóa. Nếu lượng axit thừa nhiều, thành dạ dày và các cơ quan trong hệ tiêu hóa dễ bị bào mòn; lâu ngày dẫn đến các tổn thương sâu như đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày.
Bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các loại quả chứa nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe, song một số loại có tính axit cao (độ pH 0-7). Ăn nhiều có thể làm tăng sản xuất axit, gây thừa axit dạ dày.
Dứa chứa nhiều axit và một số enzym có tác dụng phân hủy protein, tăng phản ứng viêm, dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Ăn dứa khi đói hoặc quá nhiều một lúc khiến cơ thể nôn nao, cồn cào, khó chịu.
Quả họ cam quýt như cam, chanh, bưởi có nhiều axit hữu cơ, làm tăng tiết axit dịch vị, bào mòn niêm mạc dạ dày, gây đau bụng khó chịu cho người viêm loét dạ dày.
Cam, quýt có tính axit mạnh gây kích ứng dạ dày. Ảnh: Freepik
Quả hồng giàu glucose, protein, fructose, vitamin C, citrulline, iốt, canxi, phốt pho, sắt, song không phải ai cũng có thể ăn được. Quả hồng chứa nhiều tanin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng đến nhu động ruột.
Người có bệnh dạ dày nên hạn chế hồng hoặc chỉ nên ăn khi no. Dùng hồng khi đói, tanin và pectin hình thành kết tủa không hòa tan dưới tác động của axit dạ dày. Khi không thể xuống ruột non qua môn vị, chất kết tủa dễ lưu lại và hình thành bã thức ăn trong dạ dày và có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa. Các triệu chứng dễ nhận thấy là đau quặn bụng trên, nôn mửa.
Quả đào có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhất là khả năng cải thiện thị lực, các vấn đề về xương và thần kinh. Tuy nhiên, quả đào chứa nhiều chất đại phân tử làm tăng gánh nặng dạ dày, khiến người có chức năng tiêu hóa yếu khó tiêu, nhất là người viêm loét dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản.
Xoài xanh có tính chua làm tăng dịch vị dạ dày. Người viêm dạ dày không nên ăn xoài, nhất là xoài xanh, xoài chua, kể cả một số loại xoài khi chín vẫn còn vị chua. Chỉ nên ăn xoài chín ngọt, ăn ít và không dùng khi đói.
Đu đủ xanh chứa chất papain trong nhựa có thể làm mòn niêm mạc dạ dày. Thay vì ăn đu đủ xanh, người đau dạ dày nên chọn quả chín. Đu đủ chín giúp tiêu hóa thức ăn và hỗ trợ quá trình đào thải cặn bã ra khỏi cơ thể. Ăn đu đủ mỗi ngày tăng cường miễn dịch, tốt cho mắt, ngừa dấu hiệu lão hóa da.
Kiwi giúp nhuận tràng nhưng có tính lạnh, tiêu thụ nhiều dễ làm tổn thương dạ dày, đau bụng tiêu chảy. Thành phần pectin trong kiwi làm tăng axit dịch vị gây ợ chua, triệu chứng này nặng hơn khi thời tiết nồm hoặc lạnh.
Bác sĩ Hoàng Nam khuyên người có bệnh lý dạ dày không nên kiêng khem quá mức vì cơ thể vẫn cần đầy đủ dưỡng chất cho các hoạt động hàng ngày. Nên chọn các loại quả như chuối, bơ, táo, ổi, lựu, dâu tây... tốt cho tiêu hóa, có thể tạm thời xoa dịu các cơn đau dạ dày. Không ăn quả khi bụng đang rỗng, tránh tình trạng tăng axit dạ dày, nên dùng sau bữa chính khoảng 30 phút đến một tiếng. Không ăn hoa quả sau khi uống thuốc tây vì chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của một số loại thuốc.
Để bảo vệ niêm mạc dạ dày, người bệnh nên tránh thực phẩm có tính axit mạnh như đồ muối chua, rượu, bia, trà đặc, cà phê, các loại nước ngọt có ga, soda...
Tăng cường các món giảm tiết dịch vị như chất ngọt và chất béo, gạo nếp, bột sắn, bánh mì, thức ăn nấu mềm dễ tiêu. Người bệnh nên có thói quen ăn chậm, nhai kỹ, vì trong khi nhai có thể tăng thêm bài tiết nước bọt giúp trung hòa axit dạ dày. Không để bụng quá đói, cũng không ăn quá no làm dạ dày phồng căng sinh ra nhiều axit có hại.