Muối là gia vị không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt. Muối có vai trò quan trọng trong sự tồn tại và hoạt động bình thường của các cơ quan và bộ phận trong cơ thể.
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Dùng nhiều muối có nhiều mối nguy hại. TS Nghiêm Nguyệt Thu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay muối làm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật, vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày, dù không phải ai mắc vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày.
Sử dụng nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, ung thư dạ dày
Loại vi khuẩn này gây nên tình trạng viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư hóa, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày - căn bệnh cướp đi mạng sống của hơn 15.000 người Việt mỗi năm và đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp.
Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.
Cũng theo TS Thu, nghiên cứu của tác giả D’Elia và cộng sự trên 270.000 người và theo dõi trong 6-15 năm cho thấy, so với những người ăn ít muối, những người ăn nhiều muối tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày. Một nghiên cứu khác còn tìm thấy rằng với mỗi gram muối ăn thêm mỗi ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày tăng thêm 8%.
Chuyên gia khuyên những người đã có nguy cơ về ung thư dạ dày cần xem lại lượng muối ăn hàng ngày của mình cẩn thận, tránh những thực phẩm chứa nhiều muối.
Sử dụng nhiều muối cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động tim mạch, là "kẻ thù" gây bệnh tăng huyết áp - căn bệnh của mọi nhà.
TS Thu phân tích, khi ăn thừa muối sẽ kéo nước vào lòng mạch, làm tăng thể tích dòng máu, làm huyết áp tăng lên, thậm chí còn gây bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, các loại thuốc điều trị huyết áp như thuốc lợi tiểu sẽ không hoạt động tốt khi ăn quá nhiều muối.
Khi huyết áp tăng lên, gây rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe như đột quỵ và các biến chứng khác. Do vậy, khi bị tăng huyết áp, ăn chế độ kiểm soát muối (< 5 gram mỗi ngày) là cách nên làm để giúp hạ huyết áp. Người ta nhận thấy rằng nếu lượng muối trong bữa ăn cả ngày không vượt quá 5-6gr thì huyết áp giảm được từ 2-8 mmHg.
4 cách hạn chế lượng muối ăn hằng ngày:
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi người chỉ nên ăn không quá 5 gam muối mỗi ngày, đối với trẻ em nhu cầu muối còn ít hơn.
Giảm dần gia vị khi nấu ăn như lựa chọn thực phẩm, khi đó có thể dùng các loại gia vị khác như vị chua, cay, hoặc các loại rau thơm để phối hợp chế biến, tăng vị ngon của thực phẩm.
Hạn chế ăn những thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích, bơ mặn... vì những thực phẩm này đã sử dụng muối trong quá trình chế biến. Vì vậy, khi ăn những loại thực phẩm này, hoặc các món ăn sử dụng các loại thực phẩm này khi chế biến, phải nhớ kiểm soát lượng muối trong bữa ăn đó.
Hạn chế dùng gia vị có muối khi chấm trực tiếp trên bàn ăn như nước mắm, các loại mắm tôm, tép, tương cà chua, hoặc các loại nước sốt pha sẵn, tất cả các loại đó đều có chứa muối, vì vậy cần nếm trước, hoặc xem lượng muối trên nhãn mác thực phẩm khi sử dụng.
Khi đi ăn ở các quán ăn, nhà hàng, luôn nhớ kiểm soát lượng muối, vì thường người Việt có thói quen ăn mặn, nên các quán ăn thường nấu hơi đậm, do vậy, lượng muối ăn vào sẽ cao.
Các dấu hiệu ung thư dạ dày có thể bao gồm: giảm khả năng tiêu hóa thức ăn, kém ngon miệng, cảm giác no liên tục, chảy máu hoặc có các cục máu, có máu trong phân, đau và/hoặc yếu mệt. Còn với bệnh tăng huyết áp thường rất ít triệu chứng, có thể có như là nhức đầu, hồi hộp, dễ mệt, đau ngực, khó thở, chảy máu mũi… Có rất nhiều trường hợp bị tăng huyết áp nhưng không biết vì không có biểu hiện khác thường, đó là nguyên do khiến căn bệnh này được gọi là "kẻ giết người thầm lặng". |