Chanh cung cấp nhiều dinh dưỡng như chất xơ, vitamin, khoáng chất và ít calo. Một quả chứa 18 calo, 5 g carbohydrate, 2 g chất xơ, 31 vitamin C, 13 mcg vitamin A, 15 mg canxi, 5 g magie, 2 mcg beta carotene... Một số nghiên cứu cho thấy chanh có khả năng giảm nguy cơ đột quỵ.
Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố làm tăng khả năng đột quỵ. Điều chỉnh lối sống và cách ăn uống có thể hữu ích, trong đó có thói quen tiêu thụ quả họ cam quýt. Nghiên cứu công bố năm 2012 của Đại học East Anglia, Anh, trên hơn 69.600 phụ nữ, cho thấy hợp chất thực vật flavonoid trong quả họ cam quýt như cam, chanh, bưởi có thể giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở phụ nữ. Tăng lượng tiêu thụ phân nhóm flavanone của flavonoid càng làm tăng hiệu quả.
Năm 2016, phân tích 11 nghiên cứu với hơn 356.000 người tham gia, các nhà khoa học của Đại học Nam Xương, Trung Quốc, cũng chỉ ra lượng flavonoid tiêu thụ trong chế độ ăn uống cao hơn có nguy cơ đột quỵ thấp hơn. Flavonoid có nhiều trong quả họ cam quýt, quả mọng (dâu tây, việt quất) và các loại rau lá xanh.
Flavonoid có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, phục hồi chức năng nội mô nhờ một số hợp chất và giảm kết tập tiểu cầu, điều hòa huyết áp. Do cơ chế chống oxy hóa nên flavonoid làm giảm quá trình peroxid hóa lipid và căng thẳng oxy hóa - nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ.
Nghiên cứu năm 2019 của Đại học Nam Đan Mạch và một số đơn vị, trên 56.000 người, cho thấy người hấp thụ nhiều flavonoid hơn có tỷ lệ bệnh thiếu máu cục bộ, suy tim và đột quỵ thấp hơn.
Theo các tác giả nghiên cứu, lượng tiêu thụ flavonoid cao hơn cũng có liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và tử vong liên quan đến ung thư thấp hơn. Đối với tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch và u ác tính, tổng lượng flavonoid tiêu thụ lần lượt là khoảng 500 mg/ngày, 1.000 mg/ngày. Người hút thuốc và uống rượu nhiều tiêu thụ càng nhiều flavonoid thì càng có lợi.
Chanh thường an toàn, có thể thêm chúng vào nước uống hàng ngày. Tuy nhiên, người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên hạn chế ăn chanh và quả họ cam quýt khác vì chúng có thể làm các triệu chứng bệnh nặng hơn.
Người bị loét miệng cần tránh dùng chanh vì axit có thể làm vết loét nặng thêm và đôi khi gây cứng răng. Một số người có thể dị ứng với chanh hoặc cam quýt. Tránh ăn chanh và các sản phẩm có chứa thành phần của chúng nếu quá mẫn cảm.