Một buổi tối cuối tháng 4, Phòng Cấp cứu, Bệnh viện Minh Châu thuộc Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) tiếp nhân ca bệnh với biểu hiện khuôn mặt tái nhợt, bụng phình to, nôn ra rất nhiều máu. Các nhân viên y tế trong Khoa Cấp cứu và Khoa Tiêu hóa phải nỗ lực hết mình cứu chữa bệnh nhân.
Sau khi tìm hiểu, nguyên nhân do ông Ngô (bệnh nhân) sau khi ăn bữa tối xong, thấy cơm gạo đen (gạo lứt đen) quá hấp dẫn nên đã ăn thêm vài miếng. Không lâu sau đó, ông bắt đầu thấy buồn nôn và nôn ra rất nhiều máu. Gia đình vội đưa ông đến bệnh viện.
Con gái ông Ngô cho biết, ông bị xơ gan trong nhiều năm. Trước đây đã từng bị chảy máu dạ dày nhưng chưa bao giờ nghiêm trọng như lần này. Lúc đó, ông Ngô gần như ngất đi. Bác sĩ ước tính thể tích lượng máu ông nôn ra gần 1000ml, bằng khoảng 1/4 tổng lượng máu của cơ thể người.
Chủ nhiệm Trương (phải), Khoa Can thiệp, Bệnh viện Minh Châu, Trung Quốc.
Kiểm tra chi tiết, bác sĩ chẩn đoán ông Ngô bị xuất huyết tiêu hóa do tăng áp tĩnh mạch cửa vì ăn gạo đen - một loại thực phẩm khó tiêu hóa và được các bác sĩ khuyên người bị xơ gan tuyệt đối không nên sử dụng. Sau khi hội chẩn, chủ nhiệm Trương Quý Quân của Khoa Can thiệp quyết định sử dụng phương pháp TIPS để phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau 2 giờ tiến hành, ca phẫu thuật rất thành công.
Hai tuần sau, các triệu chứng đau bụng của ông Ngô giảm đáng kể và các chỉ số thể chất khác cũng trở lại bình thường và ông mới được xuất viện gần đây.
Xơ gan và chứng tăng áp tĩnh mạch cửa
Xơ gan là giai đoạn muộn xơ hóa gan, vết sẹo nghiêm trọng của gan. Mỗi lần gan bị tổn thương do bệnh tật, uống rượu hay nhiều nguyên nhân khác, nó sẽ cố gắng tự chữa lành.
Trong quá trình đó, gan sẽ hình thành nên nhiều mô sẹo. Khi xơ gan tiến triển, mô sẹo cũng nhiều lên khiến gan khó hoạt động, suy yếu chức năng. Tổn thương gan do xơ gan thường không thể chữa khỏi. Nhưng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị, các tổn thương sẽ được hạn chế, bệnh cũng tiến triển chậm hơn.
(Ảnh minh họa).
Tăng áp tĩnh mạch cửa là biến chứng phổ biến của bệnh xơ gan, có thể gây vỡ, giãn thực quản và dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, cổ trướng (tích tụ chất lỏng trong bụng)... đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp của ông Ngô là một ví dụ dễ thấy khi ăn thức ăn khô, gây áp lực lên hệ tiêu hóa và tĩnh mạch cửa.
5 điều bác sĩ nhắc nhở những người bị hoặc có nguy cơ bị xơ gan
Chủ nhiệm Trương nhắc nhở những người mắc bệnh xơ gan rằng chế độ ăn uống hàng ngày nên nhẹ nhàng, ăn nhiều trái cây, rau quả, không ăn thức ăn khô cứng để tránh xuất huyết tiêu hóa. Nếu có các triệu chứng như đi ngoài phân đen, nôn ra máu, trướng nước thì nên đi khám kịp thời để tránh lỡ mất thời gian điều trị tốt nhất.
- Không uống rượu: Cho dù xơ gan của bạn là do sử dụng rượu mãn tính hay nguyên nhân khác, uống rượu cũng chỉ làm gan thêm tổn thương mà thôi!
- Ăn ít muối: Muối dư thừa có thể khiến cơ thể bạn giữ nước, làm sưng ở bụng và chân.
(Ảnh minh họa).
- Ăn uống lành mạnh: Lựa chọn chế độ ăn uống thực vật lành mạnh bao gồm rau xanh và trái cây hay ăn các loại protein như đậu, thịt gia cầm, cá; tránh ăn hải sản sống.
- Tránh nhiễm trùng: Xơ gan làm bạn khó chống lại nhiễm trùng. Bởi vậy nên tự bảo vệ bản thân bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và rửa tay thường xuyên, tiêm vắc-xin viêm gan A, B; cúm và viêm phổi.
- Sử dụng thuốc không kê đơn cẩn thận: Bất kể vì lý do gì, bệnh nhân xơ gan nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng thuốc, kể cả thuốc không kê đơn để tránh làm tổn thương gan.
Nguồn: 宁波晚报, QQ, Healthline, Mayoclinic