Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là một căn bệnh khá phổ biến và nó đứng thứ 2 trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ xếp sau bệnh lý về mạch vành. Điều đáng nói là nữ giới, đặc biệt là phụ nữ sau sinh thường có nguy cơ mắc phải bệnh này rất cao. Gần đây nhất, trường hợp người mẹ 32 tuổi dìm chết hai con nhỏ dưới sông ở tỉnh Nam Định đã nhanh chóng gây chú ý trên khắp các diễn đàn mạng. Được biết, người phụ nữ này có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh con và đã phải xin nghỉ làm để ở nhà chữa bệnh.
Đa phần những người mẹ có biểu hiện trầm cảm sau sinh thường có khuôn mặt trầm buồn, luôn cảm thấy bất lực, chán nản, tuyệt vọng đến mất ngủ. Thậm chí, họ cảm thấy không có khả năng làm mẹ và luôn có những suy nghĩ, hành động tự gây hại bản thân và con mình. Ngoài ra, một phần cũng do thay đổi nội tiết tố sau sinh kết hợp với những yếu tố gò bò như môi trường chỉ xoay quanh chuyện chăm con, hút sữa, cảm thấy không được làm việc gì có ý nghĩa như hồi chưa đẻ con, gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc con cái nên khi đảm nhận vai trò làm mẹ thì nhiều người sẽ khó tránh khỏi cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Trầm cảm sau sinh nếu không được điều trị sớm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và em bé, thậm chí đe dọa tính mạng hai mẹ con trong trường hợp người mẹ bị trầm cảm nặng.
Vậy các dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh là gì?
Mất ngủ hoặc ngủ nhiều
Sau sinh chị em dễ bị mất ngủ vì phải chăm con. Tuy nhiên, dù đã quá mệt mỏi nhưng lại không thể chợp mắt, nằm thao thức suy nghĩ đủ thứ, hay giật mình, ngủ không sâu thì có thể bạn đã bị trầm cảm sau sinh. Một số trường hợp khác bị trầm cảm lại ngủ rất nhiều.
Suy nghĩ tiêu cực
Khi bị trầm cảm sau sinh, chị em thường có những suy nghĩ tiêu cực như: cảm thấy có lỗi khi không chăm con tốt, cho rằng mình là một bà mẹ tồi, mất tự tin và luôn cảm thấy có lỗi.
Lo lắng quá mức
Đây là một dấu hiệu trầm cảm sau sinh rất điển hình. Nhiều mẹ bị trầm cảm thường có cảm giác lo lắng mọi thứ như lo con mình yếu, lo cân nặng của con không đạt, lo lắng khi con khóc, khi con ngủ im cũng lo lắng, lo lắng mình có thể làm hại con…
Né tránh người khác
Nhiều mẹ sau sinh bị trầm cảm sẽ ngại giao tiếp, gặp gỡ người khác. Họ luôn thu mình lại, chỉ giao tiếp với con, hạn chế tất cả các mối quan hệ khác, ngay cả người thân trong nhà.
Mệt mỏi
Sản phụ bị trầm cảm thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, thiếu sức sống, thậm chí không đủ sức lực để chăm sóc bản thân và chăm sóc con. Tuy nhiên biểu hiện này rất dễ nhầm lẫn với tình trạng mệt mỏi sau sinh hoặc thiếu máu sau sinh.
Trầm uất
Phụ nữ sau sinh bị trầm cảm thường hay buồn bã, dễ khóc, vẻ mặt luôn ủ rũ, buồn rầu. Đặc biệt, thời gian buổi sáng sớm hoặc buổi tối là lúc mẹ thường cảm thấy tồi tệ nhất.
Dễ cáu gắt
Khi bị trầm cảm chị em dễ nổi giận hơn, thường xuyên gắt gỏng với người khác dù chuyện không quá to tát. Nhiều người lại có cảm giác mình vô dụng nên cũng cáu bẳn hơn.
Không còn cảm giác thích thú
Khi bị trầm cảm sau sinh, nhiều mẹ có thể không còn cảm thấy thích thú bất cứ thứ gì, ngay cả những món ăn, sở thích trước đây họ đặc biệt thích. Thậm chí, ngay cả khi được ôm ấp con cũng không thể khiến họ cảm thấy thích thú và hạnh phúc.
Suy nghĩ tự tử
Nhiều mẹ bị trầm cảm sau sinh dễ rơi vào cảm giác tuyệt vọng. Họ cảm thấy chán nản cuộc sống, không muốn làm bất cứ điều gì và cũng không có điều gì khiến họ mỉm cười. Nhiều người trầm cảm nặng còn có ý định và hành vi tự tử cùng con rất nguy hiểm.
Biện pháp phòng ngừa trầm cảm sau sinh
Biện pháp phòng trầm cảm sau sinh cần được thực hiện từ khi mang thai nhằm chuẩn bị sẵn tâm lý vững vàng cho người mẹ. Các phương pháp này bao gồm:
Trước khi sinh
- Mẹ bầu nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ, thực hiện các bài kiểm tra đánh giá và sàng lọc trước sinh để phát hiện sớm trầm cảm ở giai đoạn còn sớm.
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý và thực hiện lối sống lành mạnh từ khi mang thai. Bổ sung sắt, acid folic, vitamin và khoáng chất, uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, tránh những đồ uống gây kích thích.
- Tham gia lớp học tiền sản nhằm trang bị kiến thức tổng quát từ cách chăm sóc sức khỏe khi mang thai, đồ dùng cần chuẩn bị khi sinh nở, quá trình vượt cạn, cách chăm sóc bé sơ sinh…
Sau khi sinh
- Kiểm tra sớm sức khỏe sau sinh nhằm sàng lọc các dấu hiệu trầm cảm. Việc phát hiện sớm giúp điều trị sớm cho kết quả tốt hơn.
- Mẹ không gây áp lực cho bản thân, suy nghĩ thoải mái. Cố gắng mở lòng, chia sẻ với người thân nếu cần sự giúp đỡ.
- Phụ nữ sau khi sinh nên dành thời gian chăm sóc bản thân, đi mua sắm, vui chơi với bạn bè giúp tinh thần thoải mái.
- Tập thể dục và vận động nhẹ nhàng, tránh quan hệ vợ chồng từ 2 - 4 tháng sau sinh tùy thuộc vào tình hình hồi phục.
- Người chồng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phòng trầm cảm sau sinh cho người vợ. Chồng cần gần gũi và chia sẻ những tâm tư với vợ từ khi mang bầu đến giai đoạn sau sinh. Việc chồng luôn lắng nghe, chia sẻ sẽ tạo điểm tựa vững chắc giúp người vợ cảm thấy được quan tâm hơn.
Trầm cảm sau sinh là trạng thái tâm lý, cảm xúc tiêu cực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho cả mẹ và bé nên cần nhận biết sớm các dấu hiệu để đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, bảo vệ cả hai mẹ con.
Nguồn tham khảo: Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc