Trong mấy ngày nghỉ lễ vừa qua, ông Lý bị nôn mửa và đau tức ngực sau khi ăn quá no, khi nhập viện thì phát hiện trên thực quản bị thủng một lỗ dài 5cm. Nếu không được mổ kịp thời, rất có thể tử vong do sốc độc do nhiễm trùng phổi.
"Bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới đến khoa Cấp cứu của bệnh viện chúng tôi", bác sĩ Jiang Xiuquan, Phó Trưởng nhóm chuyên môn về Lồng ngực của Bệnh viện Nhân dân Thanh Bạch Giang (Thành Đô, Trung Quốc) nói với phóng viên tờ Red Star News. Ông Lý đã 68 tuổi được đưa vào viện lúc 6, 7 giờ tối, liên tục kêu đau tức ngực và đau âm ỉ vùng bụng trên. Người nhà cho biết vài tiếng trước khi nhập viện, ông đột ngột bị tức ngực, buồn nôn và nôn, chất nôn có màu nâu, mồ hôi nhễ nhại.
Hỏi tiếp thì biết được do có khách đến nhà nên ông Lý ăn uống nhiều hơn bình thường.
"Tổng quan, chúng tôi nghĩ rằng rất có thể bệnh nhân có thực quản bị vỡ", Jiang Xiuquan cho biết, sau khi hoàn thành việc kiểm tra CT, họ phát hiện ra rằng đó thực sự là vỡ thực quản tự phát. Ông Lý được chuyển sang khoa phẫu thuật lồng ngực, bác sĩ đưa ra khuyến nghị điều trị phẫu thuật và giải thích những rủi ro của phẫu thuật sửa chữa thực quản.
Jiang Xiuquan cho biết: "Rủi ro lớn nhất sau khi vỡ thực quản là nhiễm trùng. Vi khuẩn xâm nhập vào khoang ngực từ vết thủng có thể gây nhiễm trùng phổi và thậm chí tử vong do sốc độc". Do đó, người nhà ông Lý đã từ chối phẫu thuật.
Sáng hôm sau, cơn sốt của ông Lý vẫn kéo dài, và nhiệt độ vượt quá 40 độ C. Bác sĩ Jiang Xiuquan cho rằng đây là triệu chứng bệnh nhân bị nhiễm trùng. Nếu không phẫu thuật và bị nhiễm trùng phổi, ông Lý có thể mất mạng trong vòng 2-3 ngày. Vì vậy, bác sĩ lại làm công tác tư tưởng cho người nhà một lần nữa, cuối cùng họ cũng đồng ý cho ông Lý phẫu thuật.
Hình ảnh chụp X-quang của ông Lý cho thấy thực quản bị vỡ, hở khoang ngực.
"Ngay lập tức chúng tôi tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân, mất hơn 3 giờ đồng hồ" để sửa chữa vỡ thực quản, dính màng phổi và dẫn lưu lồng ngực kín. Khi khám thực quản bị vỡ, bác sĩ phát hiện đoạn vỡ dài 5cm.
May mắn thay, ca mổ của ông Lý đã được sửa chữa thành công. Sau 2 ngày điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt, ông Lý đã có thể trở lại khoa ngoại tổng hợp và được xuất viện sau hơn 20 ngày.
"Sau khi bình phục, chỉ cần không tiếp tục ăn quá no, về cơ bản chuyện vừa diễn ra sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân", bác sĩ Jiang Xiuquan nói.
Bác sĩ Jiang Xiuquan cho biết, dữ liệu lâm sàng cho thấy hầu hết bệnh nhân đều có tiền sử uống nhiều rượu và ăn vô độ trước khi phát bệnh. Hầu hết tất cả các trường hợp vỡ thực quản tự phát đều xảy ra khi áp lực trong ổ bụng đột ngột tăng cao, và nguyên nhân phổ biến nhất là nôn mửa.
Khi bị nôn, sự co bóp của môn vị dạ dày ngăn không cho các chất trong dạ dày trào xuống dưới, đồng thời cơ hoành và cơ bụng co thắt mạnh khiến áp lực trong ổ bụng tăng nhanh. Trong thực quản hình thành một khoang có áp suất cao, lớp cơ giữa và dưới thực quản yếu nên rất dễ bị vỡ.
Jiang Xiuquan cho biết, vỡ thực quản tự phát rất hiếm, do tỷ lệ mắc thấp, khởi phát nhanh và không có biểu hiện lâm sàng điển hình nên thường bị chẩn đoán nhầm. Các triệu chứng lâm sàng chủ yếu bao gồm đau ngực dưới, nôn mửa và khí phế thũng dưới da ở cổ, sau đó là khó thở và sốt cao. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây nhiễm trùng toàn thân, sốc nặng, thậm chí tử vong. Vì vậy, thời điểm điều trị rất quan trọng, mổ trong vòng 4- giờ kể từ khi phát bệnh là hiệu quả nhất.
"Do vỡ thực quản có biểu hiện đau tức vùng bụng trên nên nhiều người cho rằng đó là bệnh lý đường tiêu hóa, nếu không đi khám kịp thời rất dễ bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất", ông cho biết thêm. Vì vậy, người dân được nhắc nhở không nên ăn quá no hoặc say rượu, đặc biệt là ăn quá no hoặc nôn sau khi uống nhiều rất nguy hiểm. Nếu bạn cảm thấy không khỏe, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời.
Nguồn và ảnh: Red Star News, QQ, Kknews, BV ĐKQT Vinmec