Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La vừa cấp cứu cho bệnh nhi Q.V.T. (9 tuổi, trú tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) trong tình trạng nhịp tim chậm, khó thở, tím tái toàn thân, mệt lả, da vàng và yếu cơ tứ chi.
Theo thông tin từ gia đình, hai bố con bé T. ăn bọ xít với rau xào vào bữa tối hôm trước. Người cha ăn một vài con, trẻ ăn nhiều hơn khoảng trên 10 con. Sau ăn 2 giờ, cả hai người đều có triệu chứng nôn, chóng mặt, mệt, yếu chi.
Ảnh minh họa
Ngày hôm sau, bố đỡ mệt, hết nôn và đi lại được. Tuy nhiên, bé T. ăn nhiều hơn nên triệu chứng nặng hơn, co giật từng cơn trong đêm, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La điều trị.
Các bác sĩ chẩn đoán trẻ ngộ độc do ăn côn trùng (bọ xít). Bệnh nhi được điều trị tích cực bù dịch, bù điện giải và dùng thuốc chống co giật. Tuy nhiên, tình trạng trẻ chưa được cải thiện, mệt nhiều, vật vã, kích thích, mạch chậm, huyết áp tụt và da vàng nhiều.
Các bác sĩ hội chẩn chuyên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và lãnh đạo bệnh viện, chuyển bệnh nhi về Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã dần ổn định.
Theo các chuyên gia, bọ xít có nhiều loài, trong đó cũng nhiều loài có thể có chất độc mà hiện chưa thể đánh giá hết. Bên cạnh đó, ngay cả khi con vật không có độc nhưng cũng có nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người (như các ký sinh trùng, vi khuẩn, virus).
Thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện nay còn ít. Do đó, có rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh là an toàn để ăn. Trong cộng đồng cũng như các bác sĩ cũng không thể nhận dạng để xác định loài bọ xít cụ thể và rất dễ nhầm lẫn.
Chuyên gia chống độc khuyên, để phòng tránh ngộ độc và mắc bệnh, bên cạnh một vài dạng côn trùng đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm (ví dụ nhộng tằm), người dân không nên sử dụng các sinh vật lạ hoặc không chắc chắn làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.